Vì sao Thụy Sĩ phản đối phong tỏa thêm tài sản của Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Bern từ chối “đóng băng” thêm tài sản của Nga do lo ngại động thái này vi phạm pháp luật.

Chính phủ từ chối phong tỏa thêm tài sản của Nga. Ảnh AP
Chính phủ từ chối phong tỏa thêm tài sản của Nga. Ảnh AP

Trả lời phỏng vấn báo Đức Neue Zürcher Zeitung hôm 11/4, người đứng đầu Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), bà Helene Budliger Artieda  khẳng định, chính phủ nước này sẽ không phong tỏa thêm tài sản của Nga ngoài các khoản đã bị “đóng băng” từ trước đó.

Theo hãng tin RT, bà Artieda cho biết nguyên nhân là do Thụy Sĩ không tìm thấy bằng chứng cho thấy các tài sản này nằm trong diện bị trừng phạt.

Bình luận này được đưa ra nhằm đáp lại những tuyên bố trước đó của Đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ Scott Miller.

Cụ thể hồi tháng 3 vừa qua, ông Miller đã chỉ trích SECO vì đã không nỗ lực đủ và không thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Nhà ngoại giao Mỹ nói rằng Bern hoàn toàn có thể “đóng băng” thêm từ 50-100 tỷ franc Thụy Sĩ của các cá nhân cũng như công ty Nga và sử dụng số tiền trên hỗ trợ Ukraine khôi phục sau chiến tranh.

Tuy nhiên, bà Artieda không đồng ý với việc này. Theo lãnh đạo SECO, con số từ 50-100 tỷ franc chỉ là ước tính ban đầu về các quỹ của Nga dưới sự quản lý của Thụy Sĩ, nhưng đó không phải là ước tính do Thụy Sĩ đưa ra.

Bà cũng nhấn mạnh không phải tất cả người Nga đều phải chịu lệnh trừng phạt mà chỉ chiếm phần thiểu số. Do đó, việc phong tỏa thêm tài sản sẽ yêu cầu bằng chứng cho thấy số tiền này có liên quan đến các tổ chức hoặc cá nhân bị xử phạt.

Đồng thời, bà Artieda khẳng định chính phủ Thụy Sĩ luôn hoan nghênh Mỹ cũng như các quốc gia đối tác đưa ra các bằng chứng, tuy nhiên nước này hiện vẫn chưa nhận được bất kỳ bằng chứng nào.

Bern đã “đóng băng” tài sản trị giá 7,5 tỷ franc Thụy Sĩ (khoảng 8,3 tỷ USD) của Nga kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo người đứng đầu SECO, số tiền bị phong tỏa tương đương với 1/3 số tài sản trị giá 21,5 tỷ euro (23,4 tỷ USD) đang bị “đóng băng” trên khắp EU. Tuy nhiên, việc phong tỏa thêm tài sản sẽ yêu cầu bằng chứng cho thấy số tiền này có liên quan đến các tổ chức hoặc cá nhân bị trừng phạt.

“Chúng tôi nhiều lần đề nghị với Mỹ và tất cả các quốc gia đối tác, nếu có bất kỳ đầu mối có giá trị nào, hãy cung cấp cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ theo dõi những điều này. Song đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía Mỹ” - bà Artieda cho hay.

Khi được hỏi liệu các tài sản bị “đóng băng” có thể bị tịch thu để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine hay không, quan chức này tái khẳng định lại quan điểm của Thụy Sĩ rằng, hành động như vậy sẽ vi phạm quyền sở hữu và sẽ là bất hợp pháp theo quan điểm của hệ thống pháp luật nước này.

“Việc tịch thu như vậy sẽ trái với Hiến pháp Liên bang và hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Thụy Sĩ” - bà Artieda tuyên bố, và lưu ý thêm rằng chính quyền Bern cũng khó có thể gây áp lực buộc các tổ chức tài chính của nước này ngừng phục vụ khách hàng Nga.

Mặc dù ý tưởng tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp tái thiết Ukraine đã được các nước phương Tây thảo luận trong một thời gian, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bước thực tế nào được thực hiện, do lo ngại có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong hệ thống pháp luật toàn cầu.

Nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra rằng động thái này có thể khiến tài sản của châu Âu và Mỹ gặp rủi ro, vì chúng cũng có nguy cơ bị tịch thu trong trường hợp xảy ra tranh chấp quốc tế.

Theo AFP, các lệnh trừng phạt đã “đóng băng” 350 tỷ USD tài sản nhà nước, dự trữ ngoại hối và tài sản của giới tài phiệt Nga ở nước ngoài.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, EU cho biết việc tịch thu tài sản bị “đóng băng” của Nga để phục vụ cho mục tiêu tái thiết Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức.

Anders Ahnlid, nhà ngoại giao Thụy Điển và người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm EU phụ trách hoạt động đóng băng và thu giữ tài sản, thừa nhận EU sẽ phải sáng tạo trong cách tiếp cận để có thể giải quyết vấn đề tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga.

EU thừa nhận việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để phục vụ cho mục tiêu tái thiết Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức. Ảnh: RT
EU thừa nhận việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để phục vụ cho mục tiêu tái thiết Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức. Ảnh: RT

Theo ông Ahnlid, việc tìm ra các biện pháp pháp lý có thể chấp nhận được để tịch thu tài sản của Nga nhằm tái thiết Ukraine là rất thách thức. Ông lưu ý rằng tiền lệ cho những hành động như vậy là rất hiếm, một trong số ít đó là việc Mỹ tịch thu tài sản của Iraq vào cuối chế độ cựu Tổng thống Saddam Hussein.

Nga nhiều lần chỉ trích việc bị "đóng băng" tài sản và cảnh báo các biện pháp đáp trả nếu các quốc gia phương Tây cố gắng lấy các khoản tiền thuộc sở hữu của Nga và chuyển chúng đến Ukraine.