Việt Nam có thể giảm mức phát thải 370 triệu tấn CO2

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/11, Đại sứ quán Đan Mạch đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019. Trong đó, Việt Nam có thể giảm mức phát thải cacbon hàng năm tới 39% vào năm 2050 so với các kế hoạch hiện tại. Mức giảm này tương đương với 370 triệu tấn CO2.

Sự kiện nhân chuyến thăm Việt Nam của Ngài Morten Baek - Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực khí hậu, nang lượng và hạ tầng Đan Mạch trong 2 ngày 4 – 5/11 với mục đích tăng cường hơn nữa việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng.

Một trong những sự kiện nổi bật trong chuyến thăm này của ngài Bæk là lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 với sự tham gia của hơn một trăm nhà quản lý và hoạch định chính sách cấp cao của Việt Nam cũng như các chuyên gia Việt Nam  và quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 đã đưa ra và chứng minh những kịch bản phát triển của ngành năng lượng của Việt Nam cũng như lộ trình phát triển có chi phí thấp và bền vững với kết quả lớn về giảm phát thải CO2 mà Việt Nam có thể chọn lựa.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Khắc Kiên

Ngài Morten Bæk cho biết, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 là một dấu mốc của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong việc mô hình hoá hệ thống năng lượng. Báo cáo đề xuất các giải pháp cho rất nhiều thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời đóng góp cho việc xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8. Các tính toán mới cho thấy làm cách nào để Việt Nam có thể giảm mức phát thải cacbon hàng năm tới 39% vào năm 2050 so với các kế hoạch hiện tại. Mức giảm này tương đương với 370 triệu tấn CO2.

“Các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thể dựa vào báo cáo này để hiện thực hoá quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và hiệu quả về chi phí, đồng thời giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch. Đan Mạch cam kết củng cố và mở rộng hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới” - Ngài Morten Bæk nói. Để đạt được mục tiêu này, vị này khuyến cáo, Việt Nam tiến tới giảm thiểu xây các nhà máy điện than và thay thế bằng sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong chuyến thăm này, ngài Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực Khí hậu, Năng lượng và Hạ tầng Đan Mạch đã gặp và làm việc với nhiều lãnh đạo Bộ Công Thương, Trưởng Ban kinh tế T.Ư Đảng, và Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội Việt Nam. Ngài Quốc vụ khanh và các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã trao đổi quan điểm về các vấn đề chiến lược liên quan đến giảm phát thải cacbon trong ngành năng lượng, giai đoạn tiếp theo của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng giữa Việt Nam và Đan Mạch, những hoạt động ở cấp quốc gia về biến đổi khí hậu cũng như quan hệ thương mại giữa hai nước.

Từ năm 1994, Đan Mạch đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 1,3 tỷ USD viện trợ không hoàn lại để trợ giúp phát triển kinh tế xã hội. Thông qua chương trình này, Đan Mạch đã đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam.

Tháng 11/2011, Đan Mạch đã ký một tuyên bố chung với Chính phủ Việt Nam với mục đích xây dựng quan hệ hợp tác đối tác chiến lược trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh. Đây là cơ sở để Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, các chương trình và các kế hoạch hành động của Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh. Đan Mạch và Việt Nam đã nhất trí khuyến khích sử dụng chuyên môn và công nghệ của Đan Mạch trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo.

Giai đoạn đầu của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng giữa Đan Mạch và Việt Nam (DEPP) bắt đầu từ năm 2013. Giai đoạn hai bắt đầu từ năm 2017 và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Giai đoạn ba với thời gian là 5 năm dự định sẽ bắt đầu vào cuối năm 2020.

Chương trình này do Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương thực hiện và hỗ trợ cho những hợp phần sau: Xây dựng năng lực cho lập quy hoạch dài hạn ngành năng lượng với Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo; Xây dựng năng lực về tích hợp Năng lượng tái tạo vào hệ thống điện với Cục điều tiết Điện lực Việt Nam; Phát thải các bon thấp trong ngành công nghiệp với Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững  

Một số kết quả nổi bật của DEPP là: Cẩm nang công nghệ cho các công nghệ phát điện và tích trữ điện năng, đã xuất bản tháng 5/2019; Báo cáo Triển vọng Năng lượng 2019 xuất bản tháng 11/2019; Hỗ trợ nâng cao năng lực cho người vận hành hệ thống điện của Việt Nam trong dự báo năng lượng tái tạo; Hỗ trợ phát triển thị trường điện bao gồm Quy định về đấu nối lưới điện và đảm bảo tính khả dụng của các dịch vụ phụ trợ; Cải thiện các quy định pháp luật về tiết tiết kiệm năng lượng và tăng cường năng lực thực thi ở cấp tỉnh và cấp quốc gia.