Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu vào trung tuần tháng 4

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới, và một trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, tính đến năm 2022, dân số của Việt Nam đạt khoảng 99,4 triệu người, chiếm 1,24% dân số thế giới. Mật độ dân số của Việt Nam là 321 người/km2. Trong đó, số nam giới là 49,61 triệu người, chiếm 49,9%, nữ có 49,85 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 99,5 nam/100 nữ. Dân số sống ở thành thị chiếm 38,77%.

Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó, nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi. Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, dân số của Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trong khu vực, xếp sau Indonesia (275,5 triệu người) và Philippines (115,5 triệu dân).

Xét trên toàn thế giới, dân số của Việt Nam hiện đang đứng thứ 16 trên thế giới, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Trần Danh Cường cùng bế 2 bé trai chào đời đêm giao thừa 2023
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Trần Danh Cường cùng bế 2 bé trai chào đời đêm giao thừa 2023

Theo đó, tính đến năm 2022, quốc gia có quy mô dân số cao nhất thế giới là Trung Quốc, với số dân khoảng 1,425 tỷ người. Tuy nhiên, Liên hợp quốc dự báo, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới ngay trong năm 2023.

Với con số 99,4 triệu dân ở Việt Nam hiện tại, Tổng cục Thống kê đánh giá, với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4 Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới, và một trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô dân số trên 100 triệu người.

Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để nước ta phát triển kinh tế-xã hội, song cũng đặt ra thách thức không nhỏ về già hóa dân số trong tương lai.

Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, với quy mô hơn 99 triệu người, Việt Nam có tổng số dân đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Khi dân số đạt 100 triệu người, quy mô dân số lớn mang đến nhiều lợi thế nhưng cũng nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Theo TS Phạm Vũ Hoàng, chúng ta đang ở trong thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động gần 68 triệu người là nguồn lực rất lớn, nhưng Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011 và kết thúc vào năm 2038 với số người cao tuổi đạt 20%, số lượng người cao tuổi rất lớn.

Hiện nay, số lượng người cao tuổi (trên 60 tuổi) là 12 triệu người, dân số già trong lai sẽ có nhiều thách thức. Bên cạnh đó còn nhiều thách thức trong cơ cấu dân số (mất cân bằng giới tính khi sinh), phân bố dân cư và chất lượng dân số.

Nhìn chung, con số 100 triệu dân là một cột mốc đặt ra cho Việt Nam những thách thức cần phải tập trung giải quyết quyết liệt gồm: nâng cao chất lượng dân số, đầu tư cho y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực để tránh nguy cơ lãng phí thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" và ứng phó kịp thời thời kỳ dân số già.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số.

Dự báo, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập niên, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già, ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm.

Điều này sẽ là thách thức lớn cho nước ta khi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, nguy cơ "già trước khi giàu" sẽ xảy ra, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Đó là chưa kể 70% số người già đang sống ở nông thôn, không có lương hưu, phụ thuộc vào con cái.

Tốc độ già hóa dân số có xu hướng tăng mạnh cũng đồng thời rút ngắn thời kỳ dân số vàng, đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình. Tình trạng này cũng dẫn đến việc số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, dẫn đến nguy cơ suy giảm dân số.

 

Để chuẩn bị tổ chức sự kiện dân số đạt 100 triệu người, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT và UBND TP Hà Nội.

Theo đó, Bộ KH&ĐT có công văn số 1104/TTr-BKHĐT, ngày 20/02/2023 cho biết, dự kiến, dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 100 triệu vào 2 tuần cuối tháng 4/2023. Vì vậy, Bộ đề xuất chọn ngày 19/4 hoặc ngày 25/4/2023 để tổ chức sự kiện.

Trong khuôn khổ sự kiện dự kiến có 3 hoạt động chính: Mít tinh chào đón công dân thứ 100 triệu của Việt Nam; Lễ thăm và tặng quà trẻ sơ sinh là công dân thứ 100 triệu tại bệnh viện; Lễ cổ động, diễu hành 100 triệu dấu chân Lạc Hồng tại Hà Nội.