Việt Nam thiếu nhân lực có tay nghề về kỹ thuật Robot

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năm học 2018 – 2019, trường Đại học (ĐH) Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu tuyển sinh và đào tạo 60 chỉ tiêu ngành Kỹ thuật Robot.

 Ảnh minh họa
Chia sẻ về Kỹ thuật Robot cũng như nhu cầu nhân lực của ngành này, TS Đinh Triều Dương - Chủ nhiệm khoa Điện tử - Viễn thông, ĐH Công nghệ cho biết, đây là ngành đào tạo mang tính liên ngành cao; có sự kết hợp giữa các ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, kỹ thuật điện tử, trí tuệ nhân tạo… Trong 4,5 - 5 năm học, sinh viên sẽ được đào tạo về kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điều khiển, kỹ thuật điện, điện tử, truyền thông, xây dựng phần mềm, tích hợp phần cứng và mềm để thiết kế, chế tạo và vận hành Robot.
Hiện nay, nhiều DN, đặc biệt là những tập đoàn lớn như Samsung, Toshiba… đang có nhu cầu rất cao về tự động hóa và robot đóng vai trò chủ đạo. Vì thế, các kỹ sư Kỹ thuật Robot hoàn toàn có cơ hội làm việc trong các hệ thống liên quan đến dây chuyền sản xuất công nghiệp đòi hỏi khả năng xử lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo, hệ thống điều khiển thông minh…
Hiện nay, trong cả nước chỉ có trường ĐH FPT đào tạo về Robot và bây giờ là ĐH Công nghệ mở ngành Kỹ thuật Robot. Thông tin về điểm khác biệt lớn nhất của chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Robot, TS Triều Dương cho biết: Chương trình đào tạo của trường ĐH Công nghệ được xây dựng dựa trên sự hợp tác, đồng hành của các GS trường ĐH Công nghệ Chiba – hàng đầu của Nhật Bản và thế giới về công nghệ thiết kế, chế tạo robot, vì thế có tới 95% nội dung tương đương; sinh viên có rất nhiều thời gian được học trong phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại.
Đặc biệt, thực hiện quan điểm học gắn với hành, nên ngay từ năm học thứ nhất, sinh viên được trải nghiệm về robot. Và với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, hàng năm phía trường bạn sẽ nhận số lượng khá lớn cán bộ, giảng viên, sinh viên đến trao đổi hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học về lĩnh vực Kỹ thuật Robot. Các GS của trường ĐH Công nghệ Chiba cũng đến ĐH Công nghệ để dạy cho sinh viên Việt Nam. Không những thế, sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư Kỹ thuật Robot của Việt Nam có thể tiếp tục học cao học, nghiên cứu sinh ở ĐH Công nghệ Chiba.

Sinh viên học ngành Kỹ thuật Robot sẽ được trải nghiệm và khám phá nhiều điều thú vị khi nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm theo mong muốn của mình. Khi vào trường, học viên sẽ được đào tạo để có nền tảng tốt về môn Toán ứng dụng cho robot và được bồi dưỡng, khơi dậy sự sáng tạo để thỏa mãn đam mê.