Vietnipa đánh thức tiềm năng cây dừa nước trong phát triển kinh tế xanh

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Công ty sản xuất mật dừa nước Việt Nam - Vietnipa đánh thức tiềm năng cây dừa nước, mang lại sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven sông, “lá phổi xanh” của TP Hồ Chí Minh.


Cây dừa nước dễ trồng, chịu được ngập mặn

Xuất phát từ nỗ lực xây dựng thương hiệu đặc sản của huyện Cần Giờ, Vietnipa đã từng bước gặt hái được nhiều kết quả ngọt ngào trong hành trình thu mật từ cuống cây dừa nước.

Với cây dừa nước, trước đây người nông dân ở Cần Giờ chỉ sử dụng trái để ăn và lá dừa nước để lợp nhà hay làm củi, không mấy ai biết đến kỹ thuật chiết xuất mật dừa từ cuống hoa.

Phải đến khi Vietnipa phát triển các sản phẩm giá trị cao từ mật dừa nước mới giúp “tái sinh" đời sống của loại cây này, và từ đó góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ dân quanh vùng.

Mật dừa (hay còn gọi là nhựa dừa) được chiết xuất từ cuống dừa nước 100% tự nhiên (không chất bảo quản, có giá trị dinh dưỡng cao) đã được Vietnipa sử dụng sản xuất ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe, bền vững với môi trường và tiện lợi cho cuộc sống hiện đại.

CEO Vietnipa Phan Minh Tiến khẳng định, việc gia tăng giá trị cây dừa nước không chỉ giúp thu nhập của nông dân tăng lên mà còn hạn chế tình trạng chặt phá cây này, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Tiểu Thúy
CEO Vietnipa Phan Minh Tiến khẳng định, việc gia tăng giá trị cây dừa nước không chỉ giúp thu nhập của nông dân tăng lên mà còn hạn chế tình trạng chặt phá cây này, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Tiểu Thúy

Ông Phan Minh Tiến - CEO Vietnipa cho biết, hiện công ty đang tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là mật dừa nước tinh chất - một dạng thức uống dinh dưỡng có chứa nhiều axit amin thiết yếu, vitamin, khoáng chất và các hợp chất chống oxy hóa tự nhiên.

Sản phẩm này phù hợp cho người thường xuyên vận động, bồi dưỡng cơ thể khi mệt mỏi; và mật dừa nước cô đặc là chất làm ngọt tự nhiên thay thế cho đường tinh luyện, mật ong và các chất làm ngọt nhân tạo khác; phù hợp với người bệnh tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng.

“So với nhiều loại cây khác, cây dừa nước có tuổi thọ cao hơn, có thể lên đến 50 năm. Chưa kể, với dừa nước không cần phải chăm sóc, phân bón…, tức là không tác động các yếu tố hóa học vào việc trồng trọt. Dừa nước chịu được ngập mặn, chịu được điều kiện sống rất khó khăn mà các cây trồng lâu năm khác không đáp ứng được" - ông Tiến cho biết.

Về cách thu hoạch mật dừa lần đầu, ông Tiến chia sẻ, khi bẻ hết trái dừa nước, dùng dao cắt vào cuối cuống dừa, sau đó dùng túi nilon bao hết phần cuống dừa, chờ mật từ cuống dừa tiết ra, lấy mật. Để lấy mật những lần tiếp theo, người lấy mật dùng dao cắt tiếp vào cuống dừa và dùng túi nilon bao lại để mật tiết ra. Trung bình mỗi cuống dừa sẽ tiết ra khoảng 1 lít mật dừa nước tươi mỗi ngày và có thể lấy mật liên tiếp trong 30 ngày.

"Trung bình 1ha dừa nước được khai thác mật và chế biến, mỗi năm có thể tạo ra hàng tấn đường dừa nước, trị giá hàng tỷ đồng” - ông Tiến nói và nhấn mạnh, mật dừa nước cô đặc có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 1 năm. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm này đi xa hơn, thậm chí xuất khẩu.

“Với định hướng xuất khẩu sản phẩm từ mật dừa nước, Vietnipa lựa chọn công nghệ cô đặc dừa nước đông khô, đây là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay giúp giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của mật dừa” - CEO Vietnipa Phan Minh Tiến nói thêm

Phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xanh

Từ vườn dừa nước 1ha ban đầu, Vietnipa cho biết đã liên kết với các hộ sản xuất khác, nâng diện tích khai thác lên hơn 10ha. Tuy nhiên, chẳng là gì so với nguồn nguyên liệu sẵn có, vì quỹ dừa nước tại huyện Cần Giờ hiện đang có khoảng 900ha, phần lớn mọc hoang. Trong khi đó, cả khu vực Tây Nam Bộ có thể trên 9.000ha.

“Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ mà tự nhiên ban tặng, nếu khai thác hiệu quả sẽ cho giá trị kinh tế lớn" - ông Tiến tính toán.

Đặc biệt, ông Tiến nhấn mạnh, nhiều nghiên cứu cho thấy, với cây dừa nước khi được khai thác mật thì khả năng hấp thụ carbon trong không khí nhiều hơn. Như vậy, khi TP Hồ Chí Minh có cơ chế đặc thù, thông qua bán được tín chỉ carbon từ cây dừa nước thì theo đánh giá của Vietnipa, giá trị của cây dừa nước không chỉ tăng 10 - 20 lần, mà có thể là 50 - 100 lần so với trước đây.

Vì vậy, trong tương lai hoàn toàn có thể phát triển dự án Net Zero từ cây dừa nước, thông qua việc nhân rộng mô hình khai thác mật dừa từ cây dừa nước sẽ giúp trung hòa carbon, hướng tới mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.

 

 

Trong quá trình hình thành và phát triển, đội ngũ Vietnipa đã nhận được rất nhiều sự tin tưởng từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện Cần Giờ cũng như TP Hồ Chí Minh và khách hàng thể hiện qua các chứng nhận như: chứng nhận OCOP 4 sao, Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

 

Dự kiến, Vietnipa sẽ mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách liên kết thêm với bà con nông dân, trên vùng dừa nước tự nhiên mà người dân đang có. Hoặc là quy hoạch tập trung tức là Nhà nước hỗ trợ cấp cho Vietnipa một vùng nguyên liệu đất nông nghiệp để có thể chủ trương trồng dừa nước, hình thành một vùng nguyên liệu riêng.

“Chúng tôi đã có nhiều buổi trao đổi về vấn đề này với chính quyền địa phương và rất được ủng hộ, nhưng để tiến hành thực hiện đề án thì cần thêm thời gian” - CEO Vietnipa Phan Minh Tiến tiết lộ.