Vĩnh Phúc: Kinh tế xã hội năm 2023 phát triển với nhiều điểm nổi bật

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, nhờ sự nắm bắt kịp thời, nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng từ phía doanh nghiệp, Nhân dân nên các lĩnh vực kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển toàn diện với nhiều điểm nổi bật.

Năm 2023 Vĩnh Phúc nằm trong top 8 tỉnh thu nội địa cao nhất cả nước. Ảnh minh họa Sỹ Hào.
Năm 2023 Vĩnh Phúc nằm trong top 8 tỉnh thu nội địa cao nhất cả nước. Ảnh minh họa Sỹ Hào.

Kinh tế phát triển ổn định

Năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn, song với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, đến nay 13/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Có 02 chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Song thu ngân sách nội địa của tỉnh vẫn đạt 26 nghìn tỷ đồng (so với dự kiến đạt 31 nghìn tỷ đồng), và nằm trong top 8 tỉnh thu nội địa cao nhất cả nước.

Vĩnh Phúc là địa phương duy nhất có tăng trưởng âm trong quý I và lấy lại được đà tăng trưởng ở các quý tiếp theo và ước tính tăng 2,37% so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công đứng thứ 7/63 địa phương, tỷ lệ giải ngân và khối lượng giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ năm 2016 đến nay.

Các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân đều nằm trong top 10 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước, trong đó chỉ số phát triển con người (HDI), và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đều đứng thứ 9 cả nước.

Thu hút đầu tư vượt xa kế hoạch đề ra

Năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến đạt hơn 560 triệu USD, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch. Vốn trong nước (DDI) đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng vốn, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch.

Chỉ sau 3 năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 5 năm giai đoạn 2021-2025 với gần 2,1 triệu USD vốn FDI và gần 55 nghìn tỷ đồng vốn DDI.

Quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn

Tính từ năm 2022 đến nay Vĩnh Phúc đã rà soát 76 dự án đô thị, 446 dự án thương mại, dịch vụ từ đó đã thu hồi 6 dự án nhà ở, dự án đô thị, 31 dự án thương mại, dịch vụ, xử phạt vi phạm hành chính đối với 60 nhà đầu tư; thu hồi hơn hàng trăm ha đất khu công nghiệp và hàng nghìn ha đất của các tổ chức, cá nhân vi phạm;

Thu hồi 30 trụ sở của các cơ quan nhà nước không sử dụng với diện tích hơn 12.000 m2 và tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ Tài chính sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư với hơn 30 trụ sở do các cơ quan Trung ương không sử dụng.

Khơi thông các nguồn lực

Trong năm đã có hơn 100 kiến nghị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đoàn công tác của Chính phủ xem xét, tháo gỡ; đến nay đã giải quyết dứt điểm hơn 40 kiến nghị, đề xuất, đặc biệt các kiến nghị về phân cấp xác định giá đất, tháo gỡ vướng mắc cho cảng cạn Logistics ICD…

Chủ động tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về đất đai. Kết quả, sau 3 năm đã giải phóng trên 3.500 ha đất - là điểm nghẽn hàng chục năm không tháo gỡ được, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án.

Hạ tầng giao thông được hoàn thiện, với tổng chiều dài đường bộ hơn 7,1 nghìn km, trong đó đường cao tốc 40,4km, quốc lộ 89,95km, đường tỉnh 447,3km, đường đô thị 252,12km, giao thông nông thôn 6.271km.

Nhiều chuyển biến tích cực về văn hóa

Mô hình làng văn hóa kiểu mẫu là tư duy hoàn toàn mới của Vĩnh Phúc; đến nay đã hoàn thành 28 khu thiết chế văn hóa thể thao tạo nên những quần thể văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo thành điểm nhấn ở các vùng nông thôn trong tỉnh. 

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch, xây dựng đời sống văn hóa đang đi vào cuộc sống. Ảnh minh họa Sỹ Hào. 
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch, xây dựng đời sống văn hóa đang đi vào cuộc sống. Ảnh minh họa Sỹ Hào. 

Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo trở thành Khu du lịch quốc gia thứ 7 của cả nước. Trong năm 2023, toàn Tỉnh thu hút hơn 9,3 triệu khách du lịch, tăng 13% so với năm trước.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục nằm trong Top đầu cả nước

Năm 2023 kết quả điểm thi trung bình tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh Vĩnh Phúc xếp thứ nhất toàn quốc; chất lượng giáo dục mũi nhọn của Vĩnh Phúc tiếp tục đạt được ở mức cao;

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đầu tư, bố trí nguồn vốn xây dựng mới 6 trường THCS chất lượng cao và đảm bảo cơ sở vật chất xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt trên 67%, gần đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Y tế đạt những kết quả nổi bật

Cơ sở hạ tầng các đơn vị y tế được quan tâm đầu tư xây mới như Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch...

Đến nay, số bác sĩ/vạn dân đạt 14,4 người, cao hơn 1,3 lần bình quân của cả nước; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 40,3 giường, cao hơn 1,3 lần bình quân của cả nước và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã bố trí ngân sách chi đảm bảo an sinh xã hội tăng 1,13 lần so với năm 2022 và gấp 4,45 lần so với năm 2021.

Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,61%; chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 9 toàn quốc; chỉ số nhà ở/người dân đứng thứ 2 cả nước; số ô tô của người dân nhiều thứ 5 toàn quốc.

An ninh quốc phòng được đảm bảo

Công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp các loại tội phạm được triển khai quyết liệt, theo đó đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.829 vụ việc vi phạm pháp luật, thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm; điều tra làm rõ 407 vụ vi phạm về trật tự xã hội, với 859 đối tượng, thu hồi tài sản giá trị hơn 16,6 tỷ đồng. Đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy, kinh tế, tham nhũng, môi trường. Quản lý hành chính về trật tự xã hội được thực hiện tốt.

Như vậy, kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đạt được trong năm 2023 là khá tích cực nhờ sự điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua những quyết sách phù hợp và dấu ấn của người đứng đầu quyết liệt, dám nghĩ, dám làm vì tập thể, vì nhân dân mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn.