Vĩnh Phúc: Vướng mắc trong vấn đề cải tạo, nâng cấp mở rộng tuyến QL2

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng QL2 theo quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc bằng ngân sách tỉnh, đoạn từ đường trục trung tâm KĐT mới Mê Linh đến Vĩnh Yên. Nhưng do vướng mắc về thẩm quyền và trách nhiệm đầu tư, nên đến nay chưa triển khai được.

Tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm qua đang trong tình trạng hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn cho người và phương tiện lưu thông. Ảnh Sỹ Hào.
Tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm qua đang trong tình trạng hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn cho người và phương tiện lưu thông. Ảnh Sỹ Hào.

Tuyến đường xuống cấp nhiều năm

Tuyến QL2 qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đoạn từ TP Phúc Yên đến thành phố Vĩnh Yên hiện đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Tình trạng này tồn tại đã nhiều năm qua mà chưa được khắc phục tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông.

Theo quan sát của PV báo Kinh tế và Đô thị trên đoạn đường dài chưa đến 20km, từ cầu Xuân Phương thuộc TP Phúc Yên đến nút giao nhà thi đấu thể thao Vĩnh Phúc, nhiều chỗ mặt đường đã bị lún võng, xuất hiện tình trạng dập vỡ mai rùa, bong tróc hết lớp phủ mặt đường, chằng chịt ổ gà.

Hiện tượng bong tróc lớp bê tông nhựa, dập vỡ mai rùa, ổ gà xuất hiện nhiều trên tuyến QL2 qua tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 
Hiện tượng bong tróc lớp bê tông nhựa, dập vỡ mai rùa, ổ gà xuất hiện nhiều trên tuyến QL2 qua tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 

Rất dễ để chỉ ra những đoạn hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, như đoạn từ nút giao đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh đến nút giao QL2 tránh TP. Vĩnh Yên, lớp trên mặt đường bê tông nhựa bị lún võng, dập vỡ mai rùa, bong tróc nhiều mảng với diện tích lớn, kéo dài hàng ki lô mét, dọc theo tuyến xuất hiện nhiều ổ gà, cũng như hiện tượng trồi sụt gập ghềnh có khi chênh lệch khoảng 20cm... khiến tài xế các phương tiện mỗi khi đi qua đây không có cách nào tránh né.

“Mặt đường lồi lõm gồ ghề, chằng chịt ổ gà, khiến tài xế chúng tôi ngoài việc chấp nhận điều khiển xe đi thẳng để trực tiếp băng qua những điểm dằn xóc mà không có cách nào né tránh.

Do đường xấu, ngoài việc gây căng thẳng mệt mỏi cho tài xế, thì còn khiến chi phí tăng lên do nhiên liệu phải tiêu hao nhiều hơn, và thiết bị vật tư của xe cũng nhanh xuống cấp, trong khi đó nguy cơ tai nạn giao thông cũng tăng cao.

Mỗi lần di chuyển qua đoạn đường xuống cấp này, nhiều hành khách trên các tuyến xe lại đối diện với những cơn say xe dữ dội, thực sự là một trả nghiệm hãi hùng với họ” – anh Tuấn, một tài xế xe khách chạy tuyến Hà Nội – Phú Thọ cho biết.

Kiến nghị của Sở GTVT Vĩnh Phúc

Trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Vĩnh Phúc cho biết những “vướng mắc” thực tế đang diễn ra tại tuyến đường này.

Hiện tượng hư hỏng xuống cấp, mặt đường trồi sụt, gập ghềnh tại tuyến QL2 đã tồn tại nhiều năm chưa khắc phục xong đang gây khó khăn cho người dân và các phương tiện giao thông. Ảnh Sỹ Hào. 
Hiện tượng hư hỏng xuống cấp, mặt đường trồi sụt, gập ghềnh tại tuyến QL2 đã tồn tại nhiều năm chưa khắc phục xong đang gây khó khăn cho người dân và các phương tiện giao thông. Ảnh Sỹ Hào. 

Cụ thể, tuyến QL2 qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đoạn từ Nội Bài đến Vĩnh Yên (Km13+200 – cầu Xuân Phương đến Km29+800 – Nhà thi đấu thể thao Vĩnh Phúc) được đầu tư bằng hình thức BOT, tuyến đường do Bộ GTVT quản lý.

“Việc hư hỏng, xuống cấp của tuyến đường đã diễn ra từ lâu và sau khi dừng thu phí (ngày 14/10/2020) thì tình trạng hư hỏng, xuống cấp của tuyến đường đã diễn ra nhanh hơn do không được duy tu, bảo trì.” – ông Nguyễn Trọng Khánh nói.  

Đối với việc hư hỏng, xuống cấp của tuyến đường kể từ sau khi dừng thu phí đến nay, với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều Văn bản (số 2949/SGTVT-KCHT ngày 29/12/2020, số 137/SGTVT-KCHT ngày 20/01/2021, số 278/SGTVT-KCHT ngày 03/02/2021, số 1425/SGTVT-KCHT ngày 04/6/2021, số 1984/SGTVT-KCHT ngày 19/7/2021, Số 857/SGTVT-KCHT ngày 28/3/2022, số 1699/SGTVT-KCHT ngày 10/6/2022…) kiến nghị với cơ quan quản lý về việc sửa chữa các hư hỏng trên tuyến QL2 BOT.

“Sở GTVT cũng tham mưu cho UBND tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị với Bộ GTVT (số 9956/UBND-CN1 ngày 31/12/2020, số 1010/UBND-CN1 ngày 09/02/2021, số 4471/UBND-CN1 ngày 09/6/2021, số 10612/UBND-CN1 ngày 29/11/2021, số 458/UBND-CN1 ngày 20/01/2022, số 3239/UBND-CN1 ngày 20/5/2022…), về việc sửa chữa hư hỏng trên tuyến đường QL2 chạy qua địa bàn tỉnh, để đảm bảo an toàn giao thông.” - ông Nguyễn Trọng Khánh thông tin.

Thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông xuất phát từ các nguyên nhân trên, gây thiệt hại về người và tài sản của người tham gia giao thông tại tuyến đường này.

Trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa tuyến đường QL2

Theo lãnh đạo phòng Quản lý kết cấu Hạ tầng giao thông, Sở GTVT Vĩnh Phúc, tuyến QL2 BOT đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân tại Quyết định số 1472/QĐ-BGTVT ngày 09/11/2022.

Hiện nay đoạn tuyến QL2 từ Km13+00-Km29+800, đã được Bộ GTVT cho chủ trương sửa chữa định kỳ tại Văn bản số 6822/BGTVT-KCHT ngày 29/6/2023 và giao Khu Quản lý Đường bộ I – Cục Đường bộ Việt Nam (Chủ đầu tư) triển khai thực hiện.

Dự án sửa chữa định kỳ trên đã được Cục đường bộ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 3446/QĐ-CĐBVN ngày 15/9/2023, đến nay đang triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến khởi công vào Quý I năm 2024 và hoàn thành trong Quý II/2024.

Một điểm hư hỏng với diện tích lớn kéo dài trên QL2 đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 
Một điểm hư hỏng với diện tích lớn kéo dài trên QL2 đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Sỹ Hào. 

Đối với đoạn tuyến QL2 từ Phúc Yên đến Vĩnh Yên do Bộ GTVT quản lý, việc đầu tư mở rộng thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương (theo Luật NSNN và Luật Đầu tư công); tuy nhiên theo ý kiến của Bộ GTVT, trong giai đoạn đến 2030, Bộ chưa có kế hoạch mở rộng tuyến đường.

“Để sớm nâng cấp, mở rộng tuyến đường theo quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, tạo không gian cảnh quan đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển KTXH và giảm ùn tắc giao thông trên tuyến, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã cho chủ trương nghiên cứu đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương đối với đoạn tuyến từ đường trục Trung tâm Mê Linh đến Vĩnh Yên. Tuy nhiên do vướng mắc về thẩm quyền và trách nhiệm đầu tư, nên đến nay ngành GTVT của tỉnh Vĩnh Phúc chưa triển khai được.” – ông Nguyễn Trọng Khánh, lãnh đạo phòng Quản lý kết cấu Hạ tầng giao thông, Sở GTVT Vĩnh Phúc lý giải.

Khó khăn, vướng mắc trên cũng là khó khăn chung của các địa phương trên cả nước có các tuyến quốc lộ đi qua và đang được Chính phủ đề xuất Quốc hội cho chủ trương tháo gỡ.

Đối với đoạn từ Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh) huyện Tam Dương, đến đầu cầu Việt Trì mới (khoảng Km49+768,27) thuộc huyện Vĩnh Tường, đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án nâng cấp mở rộng tại Quyết định số 1331/QĐ-BGTVT ngày 18/10/2023. Hiện nay chủ đầu tư Ban Quản lý các dự án đường thủy – Bộ GTVT đang triển khai lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến khởi công trong năm 2024.

Sở GTVT Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT để sớm triển khai các dự án nêu trên; đồng thời tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất với UBND tỉnh báo cáo Chính phủ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đầu tư mở rộng các đoạn tuyến còn lại theo quy hoạch.