Bạc Liêu:

Vụ rơi gãy cánh quạt điện gió: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau sự cố rơi vỡ cánh quạt và tuabin của trụ WT08 thuộc Nhà máy điện gió Hòa Bình 5, người dân nơi đây đang lo lắng về an toàn tính mạng và tài sản của họ bị ảnh hưởng.

Trụ điện gió bị gãy, cánh quạt  và tuabin bị rơi nằm rất gần nhà dân (Hoàng Nam)
Trụ điện gió bị gãy, cánh quạt và tuabin bị rơi nằm rất gần nhà dân (Hoàng Nam)

Như báo Kinh tế và Đô thị đã thông tin tin, chiều 1/3/2024 trụ tua bin gió WT08 nằm tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu bất ngờ rơi Nacelle và cánh quạt của trụ xuống đất. Đây là trụ nằm Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1), do Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Sau sự cố, nhiều người dân nơi đây đang hoang mang lo lắng sự cố sẽ tái diễn, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của mình.

Người dân luôn bất an

Ngày 26/3, theo quan sát hiện trường của vụ sự cố vẫn còn được giữ nguyên với những thiết bị, vật liệu rơi, gãy nằm ngổn ngang và lún sâu một phần trong đất, có bộ phận nằm gần nhà ông Nguyễn Văn Kiên,

Theo ông Kiên, sự cố tuy không ảnh hưởng đến tính mạng của ông và những người làm công, nhưng do các vật liệu này quá nặng và rơi độ cao hàng trăm mét xuống nên gây chấn động mạnh khiến vách tôn căn chòi của ông bị phá tung, bùn đất bay tứ phía. Hiện vẫn còn cánh quạt gió còn nằm vắt qua 2 góc ao nuôi cá của ông. Thiệt hại lớn nhất là số cá ông đang nuôi dưới 15 ao chết dần. Trong khi đó, những nhân công ông thuê mướn sau sự cố cũng hoảng loạn xin nghỉ nên ông Kiên càng gặp khó khăn trong khâu chăm sóc cá.

Cá nuôi trong bạt của gia đình ông Kiên  bị chết (Hoàng Nam)
Cá nuôi trong bạt của gia đình ông Kiên  bị chết (Hoàng Nam)

Theo ông Kiên, 15 ao cá dứa do ông nuôi bị chết do cánh quạt nặng hơn 100 tấn rơi từ độ cao 140m gây chấn động mạnh. Nguyên nhân nữa là khi sự cố xảy ra, một số đường dây điện của Công ty Hacom và dây điện dọc theo các ao nuôi bị đứt, điện phóng xuống kênh. Nguyên nhân thứ ba là sự cố gây mất điện nhiều giờ, hệ thống quạt chạy ô xy theo các ao nuôi không hoạt động được.

Trụ tuabin điện gió bị sự cố nằm gần nhà dân (Hoàng Nam)
Trụ tuabin điện gió bị sự cố nằm gần nhà dân (Hoàng Nam)

Bà Lương Thị Chín một người dân nuôi tôm ở ấp Vĩnh  Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho biết, trước khi chưa xảy ra sự cố người dân cảm thấy bình thường, nhưng sau đó người dân cảm thấy bất an vì các trụ điện gió xây dựng quá gần nhà dân.  

Cánh quạt của trụ điện gió bị gãy ngày 1/3/2024m (Hoàng Nam)
Cánh quạt của trụ điện gió bị gãy ngày 1/3/2024m (Hoàng Nam)

Địa phương đang khẩn trương xử lý

Theo ông Mã Thanh Phương Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Bình cho biết, sau khi xảy ra sự cố, huyện đã thành lập đoàn công tác để xử lý. Qua đó, đã làm việc các hộ nuôi xác định số lượng ao, tỷ lệ cá chết từng ao và có biên bản để ghi nhận, đồng thời lấy mẫu để phân tích về yếu tố môi trường để xác định nguyên nhân.

Một trong số các cánh quạt của trụ điện gió bị rơi gãy (Hoàng Nam).
Một trong số các cánh quạt của trụ điện gió bị rơi gãy (Hoàng Nam).

Đối với các hộ nằm trong phạm vi hành lang cánh quạt điện gió, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Hội đồng giải phóng mặt bằng đã phối hợp cùng chủ đầu tư hỗ trợ các hộ di dời ra khỏi phạm vi cánh quạt, đồng thời hiện nay UBND huyện cũng đã có phê duyệt phương án hỗ trợ cho người dân 40% để hạn chế khả năng sử dụng đối với hành lanh cánh quạt.

“Một số mẫu gửi giám định tại Cục Thú y hiện chưa có kết quả, sau khi có kết quả UBND huyện sẽ sớm làm việc với Công ty Điện gió Hòa Bình 5, cũng như hộ nuôi để có phương án hỗ trợ theo các qui định về mật độ nuôi của UBND tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là đối với người dân sản xuất ở vùng đang có các trụ điện gió hoạt động, UBND huyện phối hợp với nhà đầu tư sẽ rà soát lại và làm công tác tuyên truyền, vận động người dân, nếu đã có hỗ trợ phải di dời ra khỏi phạm vi đó. Còn nếu trường hợp nào chưa được hỗ trợ di dời cũng sẽ có phương án hỗ trợ rõ ràng để tạo điều kiện cho người dân di dời đi nơi khác, ổn định cuộc sống trong quá trình sản xuất” - ông Mã Thanh Phương  cho biết thêm.