Vực niềm tin để doanh nghiệp ổn định và phát triển

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, số DN rút lui đã vượt số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh là hơn 49.000 DN, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều này chứng tỏ nhiều thách thức còn dai dẳng khiến không ít DN phải ngừng sản xuất, kinh doanh để chờ đợi cơ hội mới.

Trước đó, khảo sát của Vietnam Report cũng đưa ra con số của 10 tháng của năm 2023 không mấy khả quan khi có tới hơn một nửa số DN không hoàn thành kế hoạch doanh thu và 46,7% số DN không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ DN hoàn thành và vượt kế hoạch ở hai chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021 - 2022. Đáng chú ý, tỷ lệ DN có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Những con số này đã vẽ nên một bức tranh kinh tế, trong đó hoạt động của DN - những nguồn thu lớn của ngân sách - vẫn còn rất nhiều những gập ghềnh.

Theo các chuyên gia, sau giai đoạn đầy khó khăn, việc vực dậy niềm tin thị trường và trước hết là niềm tin của chính các DN không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn vẫn đeo bám, việc bám trụ lại thị trường của các DN cũng trở thành một thách thức không nhỏ.

Liên tục các cuộc ngồi lại để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đã được Chính phủ tổ chức thời gian qua.

Theo các dự báo, kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù kinh tế Việt Nam có khởi sắc, tiến bộ, phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức có thể đến bất lúc nào.

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, chúng ta không được chủ quan, cần tiếp tục phát huy các thành quả, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ. Thủ tướng nêu rõ, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của đất nước ta là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Nhân dân, trong đó có DN, là chủ thể làm nên lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Thực tế cho thấy, những biến động của tình hình kinh tế thế giới thời gian qua đã tác động tiêu cực đến hoạt động nhiều DN, Tỷ giá, giá nguyên nhiên liệu tăng cao, logictic… gặp nhiều khó khăn đã khiến nhiều DN xuất nhập khẩu phải chật vật xoay xở.

Tại cuộc họp mới đây với Thủ tướng, một DN dệt may đã phát biểu, “nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi. Ngành sợi hiện có 10 triệu cọc sợi. Giá trị tài sản như đầu tư mới khoảng 6 tỷ đô, giá trị còn lại khoảng 3 tỷ đô và hiện nay mỗi năm đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu đô”.

Như vậy, những chính sách hỗ trợ DN các ngành nghề vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Dù mức độ hỗ trợ có thể không bằng thời Covid-19 nhưng các giải pháp để “cứu” DN bám trụ được thị trường về thuế, tiền tệ, lãi suất, môi trường kinh doanh là hết sức cần thiết.

Theo đánh giá, năm 2024 là năm DN nói riêng và thị trường kinh tế nói chung khởi sắc hơn. Đây được coi là năm diễn ra những thay đổi lớn cả ở quy mô Việt Nam lẫn thế giới, tái định hình môi trường kinh doanh. Các DN cũng lựa chọn phần lớn kịch bản sẽ tăng trưởng từ 5 - 5,5%.

Để đạt được mục tiêu này, có các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và vực dậy niềm tin là hết sức cần thiết để DN có động lực và nguồn lực bám trụ thị trường.