Vượt đường xa xác nhận nguồn gốc thủy sản, ngành quản lý nói gì?

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc xác nhận hải sản khai thác chỉ phục vụ với những lô hàng xuất khẩu đi EU và các thị trường khác cần xác nhận nguồn gốc khai thác. Những thị trường khác, hoặc nội địa, nếu không yêu cầu nội dung này không cần xác nhận”, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.

 Cảng Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi).

Liên quan đến việc ngư dân phản ánh phải vượt đường xa, chờ đợi lâu để được xác nhận nguồn gốc thủy sản, ông Hồ Trọng Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo quy định của Luật Thủy sản, tàu cá tại những địa phương không có cảng cá đủ điều kiện phải di chuyển về các cảng cá do Bộ NN&PTNN chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản, ở Quảng Ngãi có 4 cảng gồm: Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh, Tịnh Hòa, Mỹ Á.

“Ở Sa Cần, hiện đã có 1 cảng tư nhân được đầu tư khang trang, tuy nhiên Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất chưa bàn giao mặt nước sông Trà Bồng cho tỉnh nên chưa thể làm hồ sơ công nhận cảng cá loại II.

Ngoài ra, ở khu vực này, tỉnh đã có quy hoạch chi tiết xây dựng Khu neo đậu, tránh trú bão, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền kết hợp hậu cần nghề cá Sa Cần. Trong điều kiện kinh phí hạn chế, tỉnh đang kêu gọi xã hội hóa để đầu tư. Ngành nông nghiệp cũng rất mong có cảng cá đủ điều kiện tại khu vực này để thuận lợi cho ngư dân”, ông Phương chia sẻ.

Đối với cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), theo ông Phương, đây là khu vực có nhiều cảng cá tư nhân, nhiều nậu cá đầu tư kinh phí cho tàu cá, đổi lại tàu cá mua xăng dầu, đá lạnh… và bán cá cho họ. Những cảng này không đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định. Do đó, các tàu thuyền ở đây có thể đi đến bất cứ cảng cá đủ điều kiện nào ở gần nhất hoặc thuận lợi nhất để được xác nhận.  

Ngư dân cập cảng Sa Kỳ để bán cá.
Để các cảng được chỉ định hoạt động có hiệu quả, Sở NN&PTNN đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, đầu tư nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngư dân, cũng như các khuyến nghị của EC.
“Để đảm bảo cho việc xác nhận nguồn gốc thủy sản, Sở đang đang làm thủ tục thành lập thêm 2 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá ở Sa Huỳnh và Mỹ Á, đảm bảo 4 cảng cá đủ điều kiện mỗi cảng có 1 văn phòng”, ông Phương cho biết thêm.
Làm rõ thêm về việc xác nhận nguồn gốc thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng- Phó Tổng cục trưởng thủy sản (Bộ NN&PTNT)cho biết, trước khi xuất phát chuyến biển, chủ tàu cá phải khai báo tại các cảng cá và biên phòng. Cơ quan này sẽ kiểm soát về vấn đề an toàn tàu cá, lao động, cũng như vấn đề về giấy phép khai thác, đăng ký, đăng kiểm, thiết bị giám sát hành trình… Tất cả các tàu đánh bắt vùng khơi về, phải nộp nhật ký khai thác, khai báo sản lượng cho Ban quản lý cảng và văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủysản.
“Việc xác nhận thủy sản khai thác chỉ phục vụ với những lô hàng xuất khẩu đi EU và các thị trường khác cần xác nhận nguồn gốc khai thác. Những thị trường khác, hoặc nội địa, nếu không yêu cầu nội dung này không cần xác nhận”, ông Hùng nói.
Ông Hùng khuyến cáo, các tàu đánh bắt xa bờ có thể chọn cảng cá, đồn biên phòng gần nhất để khai báo. Đồng thời, để đỡ tốn chi phí, thuận lợi hơn khi di chuyển, lúc cập bến, ngư dân có thể neo đậu tàu tại các cảng trước khi đi chuyến biển mới.
Cũng theo ông Hùng, một số địa phương miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi đang vào mùa trăng, tàu cá cập các cảng nhiều, các địa phương cần bố trí đủ nhân lực, ca kíp, trực 24/24 để kiểm soát cho tàu cá khi cập cảng, lên bến… Việc xử lý nhanh sẽ giúp thủy sản không bị ươn, thối, giảm hiệu quả sản xuất của ngư dân.