Vượt khó, “ông lớn” duy trì tăng trưởng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua nhiều khó khăn như: áp lực lạm phát, giá nhiên liệu tăng..., nhiều DN lớn như Petrovietnam, EVN, May 10... đã đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng năm 2022.

Công nhân giám sát băng tải than Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Công nhân giám sát băng tải than Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Duy trì sản lượng trong khó khăn

Trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp. Cuộc chiến ở Ukraine đã cản trở sự phục hồi mong manh của toàn cầu, đẩy giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng tăng cao, tăng trưởng chậm lại và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trên toàn thế giới.

Những bất ổn địa chính trị và kinh tế làm giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư, đồng thời làm suy yếu thêm triển vọng kinh tế ngắn hạn. Nhiều ngân hàng trung ương buộc phải siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, tuy nhiên, điều này đang khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái hiện hữu.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quốc tiếp tục vận hành an toàn, ổn định, với công suất cao, cung cấp khoảng hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quốc tiếp tục vận hành an toàn, ổn định, với công suất cao, cung cấp khoảng hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 

Mục tiêu quan trọng, nhất quán trong năm 2022 của Tập đoàn là nỗ lực duy trì sản lượng khai thác, tận dụng cơ hội giá dầu để tăng cường đóng góp cho kinh tế đất nước, bù đắp cho nhiều ngành kinh tế đang suy giảm. Đây là nhiệm vụ rất thách thức trong bối cảnh suy giảm sản lượng tự nhiên hằng năm 5 - 8%.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng

Tình hình thế giới đã và sẽ tác động không nhỏ đến nhiều mặt hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) như: việc tăng giá và gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, vật tư, thiết bị; áp lực lạm phát, đặc biệt là “lạm phát nhập khẩu”; các vấn đề thương mại, đầu tư, rủi ro tài chính, tiền tệ, lãi suất tăng, giá xăng dầu khó đoán định… Ngoài ra, trong 6 tháng qua, huy động khí cho sản xuất điện trong nước vẫn ở mức thấp so với kế hoạch; nhu cầu, giá phân bón đang sụt giảm…

Trong bối cảnh đó, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, với sự linh hoạt, chủ động, quyết liệt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành trên mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), Petrovietnam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác. Khai thác dầu thô tháng 6 đạt 0,9 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch (KH) tháng 6, tính chung 6 tháng đạt 5,48 triệu tấn, vượt 23% KH 6 tháng và bằng 63% KH năm 2022; bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, sản xuất xăng dầu 6 tháng vượt 14% KH, sản xuất đạm vượt 8% KH, sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Tập đoàn trong góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn thị trường.

Nhờ hoạt động SXKD duy trì ổn định, 6 tháng qua, Petrovietnam đạt được các chỉ tiêu tài chính rất tích cực, tiếp tục đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 468,3 nghìn tỷ đồng, vượt 2 lần so với KH 6 tháng, đạt 84% KH năm và tăng 55% so với cùng kỳ 2021; nộp ngân sách toàn Tập đoàn đạt 66,1 nghìn tỷ đồng, vượt 2,2 lần so với KH 6 tháng, hoàn thành và vượt 2% KH năm 2022 và tăng 41% so với cùng kỳ 2021. Kết quả SXKD của Tập đoàn được sự ghi nhận, đánh giá cao của Chính phủ.

“Bên cạnh yếu tố thuận lợi từ thị trường, động lực rất quan trọng là phát huy hiệu quả quản trị, quản trị biến động, nắm bắt xu hướng, quản trị giá vốn, triển khai liên kết chuỗi, quản trị danh mục đầu tư, đặc biệt là dự báo, đánh giá phù hợp với diễn biến thị trường... Đó là nhiệm vụ, mục tiêu hoàn thành kế hoạch những tháng còn lại của năm” - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp đạt mục tiêu

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 6 năm 2022, nắng nóng diễn ra tại cả 3 miền nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Công suất đỉnh của toàn quốc cũng lên kỷ lục mới ở mức 45.528MW vào ngày 21/6/2022 (tăng gần 3.100MW so với công suất đỉnh năm 2021). Sản lượng ngày cao nhất cũng lên mức kỷ lục mới với 900 triệu kWh cũng vào ngày 21/6/2022.

Công nhân EVN kiểm tra vận hành lưới điện dưới trời năng nóng đảm bảo cung cấp địn cho sản xuất, phục đời sống sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Anh
Công nhân EVN kiểm tra vận hành lưới điện dưới trời năng nóng đảm bảo cung cấp địn cho sản xuất, phục đời sống sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Anh

Gần đây nhất, theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trưa ngày cao điểm nắng nóng 18/7/2022, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc đã lập mức đỉnh mới là 22.800MW – cao hơn tới khoảng 4.200MW so với cùng kỳ 2021 (tương đương 22,6%) và cũng cao hơn 500MW so với mức kỷ lục gần đây nhất là vào ngày 21/6/2022.

Nguyên nhân được chỉ ra, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện miền Bắc tăng rất cao do nắng nóng gay gắt kéo dài thì nguồn phát điện cũng gặp khó khăn, một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như: Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555MW.

Tuy nhiên, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 6/2022 đạt 24,52 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng đạt 133,11 tỷ kWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Theo nhận định, xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 7/2022, nắng nóng tiếp tục xuất hiện ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ phổ biến cao hơn 0,5 độ C, các nơi khác phổ biến cao hơn 0,5 - 1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống ở mức 793,8 triệu kWh/ngày (tăng 6,4% so với cùng kỳ), công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 42.390MW.

Do đó, trong tháng 7/2022, EVN tiếp tục chỉ đạo các công ty, nhà máy thủy điện vận hành hồ đập, tăng cường tuyên truyền về vai trò của thủy điện trong việc cắt, giảm lũ với mục tiêu tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân.

Công nhân Tổng Công ty May 10 trong xưởng sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh
Công nhân Tổng Công ty May 10 trong xưởng sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh

Trong khi đó, Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt thông tin, so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu May 10 ước đạt 2.082 tỷ đồng, tăng 45,28%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 60,19 tỷ đồng, tăng 47,38%; thu nhập của người lao động trung bình là 9,04 triệu đồng/người/tháng, tăng 13%; doanh thu xuất khẩu ước đạt 1.938,91 tỷ đồng, tăng 51,95%; sản lượng xuất khẩu trị giá 82.426.508 USD.

Tuy nhiên, May 10 dự báo tình hình những tháng còn lại doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng chậm trong quý III-IV/2022 dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang giảm. Dự báo đơn hàng quý III-IV/2022 giảm do tỷ lệ hàng tồn kho của thị trường Mỹ cao và những đơn hàng bị chậm từ năm 2021. Xung đột kinh tế giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu: Giá nguyên liệu, vật tư, năng lượng, chi phí vận tải… tiếp tục tăng.

Để vượt qua khó khăn, ông Thân Đức Việt cho biết, May 10 tiếp tục quản trị dòng tiền, quản trị hàng tồn kho và quản trị tốt rủi ro. Với những mục tiêu đặt ra doanh thu đạt 1.758,47 tỷ đồng, lợi nhuận 60 tỷ đồng, thu hút được 7.000 lao động và mức thu nhập bình quân của người lao động là 9,1 triệu đồng/người/tháng, May 10 đề ra 6 giải pháp.

Đó là, đầu tư thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, đầu tư thiết bị giặt nhằm nâng cao năng lực hàng giặt, hoàn thiện dự án mở rộng xí nghiệp Bỉm Sơn theo tiêu chuẩn nhà máy xanh, lập báo cáo khả thi về việc làm xưởng bao bì (công đoạn cuối: nhập phôi và làm theo kích thước bao bì để in) do Công ty M&F thực hiện...