Xây dựng bảo hiểm xã hội đa tầng, kinh nghiệm từ các nước

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội của đất nước. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chính sách này cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho người dân.

Sửa đổi Luật BHXH rất cần thiết

Luật BHXH năm 2014 qua hơn 8 năm thi hành đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập. Xuất phát từ yêu cầu trên, việc Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật BHXH là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

TS Trần Minh Sơn
TS Trần Minh Sơn

Trên cơ sở thực tiễn, để có thêm thông tin kinh nghiệm các nước về vấn đề BHXH đa tầng, vấn đề đang được người dân và doanh nghiệp quan tâm, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC) về kinh nghiệm một số nước trên thế giới về BHXH đa tầng.

Theo TS Trần Minh Sơn, nhiều quốc gia đã theo đuổi cách tiếp cận mở rộng bao phủ dựa vào một hệ thống hưu trí đa tầng. Trong đó, tầng 1 - cấu phần lương hưu như nhau, do Chính phủ hỗ trợ từ các nguồn thu công để đảm bảo an sinh tuổi già cơ bản cho mọi người; tầng 2 - cấu phần hưu trí bắt buộc dựa trên đóng góp từ thu nhập mà tương tự như hệ thống hiện nay của BHXH Việt Nam; tầng 3 thường là cấu phần hưu trí bổ sung với mức đóng được xác định (DC) để cho phép người dân có thể hưởng mức hưu trí cao hơn.

Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, một số quốc gia đã có các hệ thống hưu trí, trong đó ngân sách Nhà nước tạo nên một phần quan trọng của cơ chế tài chính. Một số ví dụ như Bruney, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan, Đông Timor và gần đây nhất là Myanmar dành cho những người trên 90 tuổi.

Thực tiễn này của các quốc gia cho thấy có rất nhiều phương án khác nhau để xây dựng tầng hưu trí xã hội cơ bản phổ cập trong khi vẫn cân bằng được các mục tiêu khác nhau của chế độ hưu trí và các cơ chế tài chính.

Hướng tới diện bao phủ toàn dân

Các quốc gia như Brunei, Thái Lan và Đông Timor đã áp dụng các cơ chế hưu trí phổ cập được lấy từ nguồn thuế, quy định một khoản lương hưu như nhau được chi trả hàng tháng cho tất cả người dân trên độ tuổi nghỉ hưu. Những hệ thống này có lợi thế là hướng tới diện bao phủ toàn dân bằng việc đảm bảo cho mọi người dân có ít nhất một khoản thu nhập tối thiểu khi đến tuổi hưởng hưu trí.

Các quốc gia khác, như Mông Cổ, thì áp dụng chương trình dựa trên thẩm tra hưu trí hướng đến những người không được hưởng trợ cấp từ các chương trình hưu trí khác. Các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Philippines thì có chương trình hưu trí dựa trên đánh giá gia cảnh hướng đến những người không đạt tới mức thu nhập tối thiểu từ lương hưu và các nguồn khác, nhưng đến nay thì độ bao phủ vẫn còn khá thấp.

Hàn Quốc hoàn thành việc bao phủ phổ cập bằng việc bổ sung cho chương trình với mức hưởng được xác định (Dịch vụ hưu trí quốc gia) với một chương trình hưu trí cơ bản dựa trên đánh giá gia cảnh do thuế tài trợ dành cho người trên 65 tuổi có thu nhập thấp. Trên thực tế chương trình phổ cập của Hàn Quốc đã đảm bảo mọi người dân trên tuổi nghỉ hưu đều được hưởng lương hưu.

Các chương trình hưu trí dựa trên đánh giá gia cảnh đảm bảo diện bao phủ phổ cập thường được thấy ở các quốc gia có năng lực hành chính để đo lường mức thu nhập một cách hiệu quả và ở đó đa số người cao tuổi thuộc diện bao phủ của các chương trình BHXH.

Ở Trung Quốc, theo TS Trần Minh Sơn, kinh nghiệm cho thấy, Trung Quốc là đã có những cải cách mạnh mẽ trong chính sách BHXH mở rộng diện bao phủ bảo hiểm. Những kinh nghiệm đó là hệ thống hưu trí với các tầng bắt buộc cho mọi người dân.

Chương trình hưu trí cho người dân nông thôn và người dân thành thị không có việc làm hưởng lương (chương trình hưu trí không đóng góp): Mức hưởng lương hưu hàng tháng thấp nhấp là 70 Nhân dân tệ (NDT). Tại một số địa bàn, mức lương hưu được điều chỉnh tăng theo độ tuổi.

Chương trình hưu trí cho người dân nông thôn và người dân thành thị không có việc làm hưởng lương (tài khoản hưu trí cá nhân): Lương hưu hàng tháng được tính bằng tổng số tiền đóng BHXH của người lao động và của Chính phủ/chính quyền, cộng với lãi dồn tích, chia cho số tháng được đánh giá có đóng bảo hiểm. Sau khi đã dùng hết số tiền từ tài khoản hưu trí cá nhân theo luật định để trả lương hưu hàng tháng cho người lao động, thì nguồn quỹ chung trên địa bàn sẽ được sử dụng để trả lương hưu…

Ở Hàn Quốc và một số nước khác, TS Trần Minh Sơn cho biết, hệ thống hưu trí của Hàn Quốc cũng bao gồm các chế độ trợ cấp khác nhau. Chế độ hưu trí quốc gia là một hệ thống được hỗ trợ tài chính một phần và mức hưởng xác định (DB) quy định bảo hiểm cho 53% số người trong lực lượng lao động. Người sử dụng lao động và người lao động đóng góp lần lượt 4,5% tổng lương vào hệ thống. Công thức tính mức hưởng trợ cấp bao gồm một khoản cơ bản và khoản dựa trên thu nhập. Hệ thống này được thực hiện theo từng bước và áp dụng tỷ lệ cộng dồn trung bình là 1,5% trong toàn bộ khoảng thời gian đóng góp 40 năm với mức hưu trí tối đa được hưởng khi người đóng bảo hiểm đến tuổi 60. Độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên 65 tuổi vào năm 2033. Hàn Quốc cũng thực hiện các chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động trong khu vực công.

Indonesia là một ví dụ khác về một quốc gia đã kết hợp chương trình hưu trí thẩm tra thu nhập thực hiện bằng ngân sách thuế (với phạm vi bao phủ rất hạn chế); với quỹ trợ cấp xác định và quỹ dự phòng bắt buộc. Các quốc gia khác chỉ sử dụng các quỹ DC làm nền tảng cho cấp độ thứ hai trong hệ thống hưu trí của mình bao gồm Brunei, Malaysia và Singapore, chủ yếu dưới dạng các quỹ dự phòng được khu vực công quản lý. Chỉ có hai nước không có hệ thống hưu trí công bắt buộc toàn dân (Campuchia và Myanmar). Tính đến nay, hai quốc gia này chỉ có chế độ hưu trí cho công chức.

Hệ thống của Malaysia bao gồm một quỹ hưu trí DC và quỹ hưu trí xã hội thẩm tra thu nhập. Quỹ dự phòng người lao động (EPF), được giới thiệu vào năm 1951, là một quỹ DC trên cơ sở các tài khoản tiết kiệm cá nhân…

Một điểm đáng chú ý khác là tại nhiều quốc gia, các nhóm dân số đầu tiên được quy định đóng bảo hiểm theo quỹ hưu trí công là công chức và người phục vụ trong quân đội. Quỹ này cũng hào phóng hơn trong các quy định về nghỉ hưu sớm cũng như công nhận các khoảng thời gian không đóng góp để chăm sóc con cái, học hành... Liên quan tới khung thể chế, việc sắp xếp hưu trí cho người lao động trong lĩnh vực công trước đây được tách biệt khỏi chế độ trợ cấp hưu trí công và được quy định trong một chế độ đặc biệt do một cơ quan đặc biệt quản lý.

Ngoại trừ Đông Timor, các quỹ hưu trí dịch vụ dân sự đều hoạt động theo quỹ DB và phát triển ở mức cao với việc công chức gần đến tuổi hưu trí được nhận đầy đủ khoản lương hưu với tỷ lệ khá cao giữa người được hưởng hưu trí và người trong độ tuổi lao động.

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội

Xu hướng đang diễn ra đó là lồng ghép chương trình hưu trí đặc biệt dành cho công chức vào quỹ hưu chí công. Các nhân tố chính thúc đẩy tạo ra thay đổi là những áp lực về tài chính, nâng cao nhận thức của người dân về tính bất bình đẳng hoặc mức độ trợ cấp của các chế độ hưu trí khác nhau và nhu cầu cắt giảm chi phí hành chính.

Trên thực tế, các quỹ hưu trí cho công chức thường được thực hiện ở mức hào phóng hơn so với các quỹ hưu trí toàn dân, sự mất thăng bằng giữa khoản đóng góp và khoản trợ cấp thường gây ra những vấn đề nghiêm trọng về ngân sách và tạo ra vấn đề bất bình đẳng giữa công chức và lao động trong khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, việc quản lý quỹ khác nhau rõ ràng gây ra phát sinh chi phí. Ví dụ, chi phí cho mỗi thành viên tham gia quỹ hưu trí dịch vụ dân sự ở Thái Lan cao hơn gấp 6 lần so với quỹ toàn dân. 

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng cho Việt Nam, cách nào?

Trên cơ sở đó, theo TS Trần Minh Sơn, một số kinh nghiệm chính rút ra liên quan đến xây dựng hệ thống BHXH đa tầng cho Việt Nam khi sửa đổi Luật BHXH:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng đang là xu hướng chung của các nước đã và đang hướng tới. Thứ hai, mục tiêu là từng bước mở rộng đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH, tiến tới BHXH toàn dân (mọi người lao động trong độ tuổi đều được tham gia và mọi người lao động khi hết tuổi đều được thụ hưởng).

Thứ ba, tầng 1 - Trợ cấp hưu trí xã hội là tầng thấp nhất của hệ thống đa tầng đều do ngân sách nhà nước đảm bảo, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia (trình độ quản lý, khả năng ngân sách) mà có thiết kế khác nhau (có thẩm tra/áp dụng có điều kiện hoặc không thẩm tra/áp dụng với mọi người cao tuổi không có điều kiện).

Thứ tư, tầng 2 – BHXH cơ bản là tầng có đóng góp, chủ yếu hướng tới người lao động khu vực chính thức, nhưng được thiết kế theo hướng bao phủ cho cả người lao động phi chính thức. Về mặt dài hạn, việc mở rộng tầng 2 sẽ cần đi đôi với một chiến lược tổng thể và toàn diện về chính thức hóa để nâng số người đủ điều kiện tham gia BHXH theo luật định, bao gồm cả những nỗ lực nâng cao sự tuân thủ pháp luật về BHXH trong khu vực chính thức.

Thứ năm, tầng 3 - Bảo hiểm hưu trí bổ sung bao gồm các chế độ hưu trí nghề nghiệp hoặc các chế độ hưu trí khối tư nhân trên cơ sở đóng góp tự nguyện. Tài khoản hưu trí cá nhân có tác dụng bổ trợ cho chương trình hưu trí bắt buộc do nhà nước quản lý, hướng tới những người mong muốn có tỷ lệ hưởng cao hơn.