Xu hướng làm việc “lười biếng” của người trẻ

Phạm Thành (tuoitrethudo)
Chia sẻ Zalo

Mạng xã hội đang lan truyền một thuật ngữ dùng để mô tả một loại công việc cho phép người trẻ đạt được mục tiêu cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đó là thuật ngữ “lazy-girl job”.

“Lazy-girl job” không có nghĩa là lười biếng

Minh Hạnh (26 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội quyết định trở thành một người làm nghề marketing tự do trên các nền tảng số sau 3 năm gắn bó với công việc văn phòng thiên về nhập liệu. Một số bạn bè và người thân cho rằng đây là hành động để Hạnh đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, còn cô gái trẻ thì nói rằng đây là “lazy-girl job” (công việc đòi hỏi ít nỗ lực và mang lại mức thù lao tối đa).

Hạnh cho biết cô từng làm việc 10 giờ/ngày khi còn đi làm hành chính với mức lương có thể chạm tới 20 triệu đồng mỗi tháng. Hiện tại, cô chỉ dành 4-5 giờ/ngày để quảng cáo các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da trực tuyến. Dù kiếm được ít tiền hơn trước đây nhưng Hạnh lại có nhiều thời gian rảnh hơn. Cô có thể tập thể dục, thiền, chơi với mèo mà vẫn đủ khả năng trang trải các loại chi phí cơ bản.

Xu hướng làm việc “lười biếng” của người trẻ - Ảnh 1
“Lazy-girl job” giúp Minh Hạnh thoải mái về tinh thần hơn

Trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam, Minh Hạnh và nhiều bạn trẻ khác đang chia sẻ về công việc “lazy-girl” của mình. Đối với những người ưa thích phong cách làm việc này, công việc lý tưởng của “lazy-girl” là làm ở nhà, có sếp dễ tính và kết thúc công việc lúc 5h chiều, nhận mức lương vừa đủ mỗi tháng. Số tiền này đủ để họ trang trải các chi phí cơ bản đối với một người trưởng thành mà không phải làm thêm giờ.

Tuy nhiên, một số người cũng phản đối phong cách làm việc này. Họ cho rằng việc thích làm công việc lười biếng là thái độ sai lầm khi gây dựng sự nghiệp. Trái lại, nhiều phụ nữ trẻ tự gọi mình là “lazy-girl” trên mạng khăng khăng rằng họ không có gì khác biệt. Sau thời gian đi làm và căng thẳng vì công việc, họ chia sẻ mình thấy hạnh phúc với lựa chọn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Hashtag “lazy-girl job” đã có gần 18 triệu lượt xem trên TikTok với những nội dung về cảnh các cô gái gõ bàn phím, cùng những dòng chữ nói về quyền lợi mà họ được hưởng, chẳng hạn như không có người quản lý từng chút một và lịch làm việc linh hoạt, giúp họ có thể đưa chó đi dạo vào giữa buổi ngày.

Giống như xu hướng nghỉ việc trong thầm lặng, phong cách làm việc “lazy-girl” cũng phổ biến đối với những người ở độ tuổi 20-30. Họ đang “vẽ lại” ranh giới mờ nhạt giữa cuộc sống và công việc sau đại dịch.

Xu hướng làm việc “lười biếng” của người trẻ - Ảnh 2
Phong cách làm việc “lazy-girl” đang ngày càng phổ biến đối với những người trẻ tại Việt Nam

Khác với tên gọi của mình, những người theo đuổi nhóm công việc “lazy-girl job” không thực sự là một nhân viên lười biếng. Thuật ngữ này không có ý mỉa mai phụ nữ, ám chỉ họ lười biếng hay gàn dở trong công việc. Chỉ đơn giản là công việc này sẽ giúp nhiều phụ nữ trẻ tuổi thanh toán các hóa đơn, đồng thời cân bằng giữa công việc và cuộc sống dù điều này sẽ mang lại một cảm giác giống như bản thân đang lười biếng.

Không phải chỉ phái nữ chọn “lười biếng”

Theo một nghiên cứu của Google tháng 6/2023, cứ 10 người lao động trẻ ở Việt Nam thì có 5 người nói họ đang nỗ lực ít hơn mức tối đa. Khảo sát này thực hiện với sự tham gia của hơn 10.000 người trưởng thành đang đi làm. Lý do đang khiến họ cảm thấy “chán nản” nhất chính là văn hoá nơi làm việc.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không ít nam giới trong độ tuổi đi làm đã chia sẻ về những mặt trái trong công việc của họ. Họ phàn nàn về việc sếp khó tính, lương thấp và cảm thấy có lỗi khi nghỉ phép.

Trần Minh Hoàng (30 tuổi), một quản lý nhân sự trong lĩnh vực marketing cho biết anh không phản đối việc đi làm nhưng nhận thấy văn hoá làm việc liên tục đang khá “độc hại”. Hơn nữa, anh Hoàng không nghĩ rằng “lazy-girl” là lười biếng.

“Đại dịch đã “đưa đẩy” chúng ta đến với những công việc từ xa. Với giờ làm việc linh hoạt, mọi người sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Điều đó có nghĩa là bất kỳ độ tuổi hay ngành nghề nào, chúng ta đều có thể lựa chọn làm người “lười biếng” nếu không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung”, anh Hoàng chia sẻ.

Xu hướng làm việc “lười biếng” của người trẻ - Ảnh 3
Minh Hoàng cho rằng ở bất kỳ độ tuổi hay ngành nghề nào, chúng ta đều có thể lựa chọn làm người “lười biếng” nếu không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên - một người từng dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về xu hướng làm việc của giới trẻ cho rằng, từ “lazy” (lười biếng) trong cụm từ lazy-girl nhằm mô tả trạng thái trái ngược với sự hối hả của môi trường công việc truyền thống. Điều này không có nghĩa rằng những người làm công việc thuộc nhóm này là những người không có động lực hoặc không làm việc chăm chỉ.

“Quan điểm này phù hợp với đối tượng là những người trẻ tuổi hơn là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong một nghề nghiệp cố định. Điều quan trọng nhất cần nhớ khi quyết định con đường phù hợp với bạn là biết ưu tiên của bạn là gì. Nếu bạn là người có mục tiêu và thích phát triển trong môi trường áp lực cao, thì một công việc đầy thử thách có thể phù hợp với bạn.

Mặt khác, nếu bạn là người coi công việc như một phương tiện để kết nối xã hội, để tránh việc quá rảnh rỗi... hoặc bạn không phải lo toan quá nhiều về chi phí sinh hoạt... thì “lazy-girl job” không phải là một lựa chọn tồi.

Mỗi chúng ta đều có vai trò trong bất kỳ công việc nào chúng ta làm và trong thời đại mà các cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần diễn ra gay gắt, điều quan trọng là mọi người phải nhận ra rằng thành công cuối cùng là những gì khiến chúng ta thật sự hài lòng. Cho dù đó là “lazy-girl job” hay bất kỳ công việc nào khác, thì cuối cùng việc chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc mới là quan trọng nhất”, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên chia sẻ.