Xuân về trên bản người Dao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hương Xuân về lan tỏa khắp đất trời. Trong khi người dân miền xuôi rục rịch chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cũng là thời điểm đồng bào dân tộc Dao (huyện Ba Vì) tưng bừng tổ chức Tết Tạ ơn, và đón chào một mùa Xuân mới.

Sắc Xuân trên bản người Dao ở xã Ba Vì.
Đổi thay trong Xuân mới 
Con đường ngoằn ngoèo được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp dẫn chúng tôi về với bản người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Nơi đây tập trung đến 98% đồng bào dân tộc Dao sinh sống của Thủ đô. Dọc đường hoa nở, khói lan tỏa trên những nếp nhà nhỏ xinh. Ven lối nhỏ dẫn lên cao dần, cây xanh thay lá, đào rừng khoe sắc rực rỡ. Đám trẻ nhỏ tung tăng trước sân nhà, cười khúc khích khi chúng tôi giơ máy ảnh, toan chụp...

Không biết đã bao nhiêu lần chúng tôi đặt chân tới vùng đất nằm cách xa trung tâm Thủ đô nhất, nhưng mỗi lần đến là một lần bất ngờ bởi sự đổi thay của đất và người nơi đây. Ngồi hàn huyên cùng chúng tôi, ông Lý Văn Phủ, người có uy tín thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) kể: Ngày trước, đồng bào dân tộc sống tản mác trong Vườn Quốc gia Ba Vì. Cuộc sống đa phần phụ thuộc vào sản vật của núi rừng. Mãi tới năm 1968, khi được Nhà nước vận động, hỗ trợ an cư, đồng bào dân tộc Dao mới “hạ sơn”, xuống sinh sống tập trung thành 3 bản người Dao, nay là 3 thôn: Hợp Sơn, Hợp Nhất và Yên Sơn. Đồng bào cũng thay đổi tập quán sản xuất, tập trung canh tác nương rẫy, chăn nuôi lợn gà, thay vì chỉ khai thác sản vật của núi rừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng cho biết, kể từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã Ba Vì đã được nâng cấp ngày một đồng bộ. Đời sống của người dân cũng thay đổi theo hướng tích cực. Đến nay, dù tỷ lệ hộ nghèo của xã Ba Vì vẫn lớn nhất toàn TP, nhưng phần lớn các hộ đồng bào dân tộc đã không còn thiếu đói, có nhà ở kiên cố, có xe máy, điện thoại di động, vô tuyến truyền hình…

Hàng năm, địa phương phối hợp với một số mạnh thường quân là ngân hàng, tập đoàn viễn thông hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng thẻ nạp tiền và điện thoại di động cho đồng bào dân tộc nghèo. Chính quyền các cấp cũng thường niên tổ chức đoàn xuống thăm, tặng quà, với mong muốn mang hương Xuân, một cái Tết ấm cúng, đủ đầy hơn đến với đồng bào dân tộc nghèo.

Tết Tạ ơn và mâm “cỗ lá”

Với khoảng 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao, việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống được xã Ba Vì, huyện Ba Vì coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Dù đời sống thay đổi, nhưng người dân tộc Dao vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng như: Tết nhảy, lễ Khai Man, lễ Tạ Mả, lễ Cấp Sắc,…

Những ngày cuối tháng 12 âm lịch, khi đồng bào miền xuôi rộn ràng chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chúng tôi có dịp ghé thăm và hòa mình vào không khí Tết Tạ ơn của đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì. Đây cũng là một trong 3 dịp lễ lớn nhất của người Dao miền sơn cước, cùng với Tết rằm tháng 7 âm lịch (người Kinh thường gọi là Lễ Vu Lan), và Tết Thanh Minh vào tháng 3 âm lịch.

Ngày Xuân, không gian gia đình anh Lý Sinh Hoàng (thôn Yên Sơn) cũng trở nên ấm cúng khi có đông đảo người thân, họ hàng, xóm giềng tề tựu chuẩn bị ăn Tết Tạ ơn. Nhóm các cụ già làng, trưởng bản, người có uy tín ngồi quây quần, trà nước, hàn huyên dăm ba câu chuyện của năm cũ. Đám trẻ nhỏ túm tụm vui chơi trước sân nhà. Trong khi, các bà, các mẹ, các chị tập trung dưới bếp chuẩn bị “cỗ lá”.
Thanh niên đồng bào dân tộc Dao tập trung chuẩn bị cỗ Tết.
“Cỗ lá” có lẽ là một trong những điểm khác biệt và thú vị nhất khi nói về Tết của đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì. Mâm “cỗ lá” đầy đủ thường có: Thịt lợn, thịt gà (luộc, nướng); nem rán; rau củ quả luộc; rau ăn kèm; bánh Dày,… So với ở miền xuôi, các món chính không có nhiều khác biệt. Ẩm thực ấn tượng nằm ở bánh Dày và rau gém ăn kèm. Ông Triệu Phú Thành, người có uy tín thôn Hợp Nhất cho hay, bánh Dày được giã bằng cối đá từ xôi nếp. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc Dao còn trộn thêm cả vừng, đậu xanh hoặc gấc để tạo mùi vị khác lạ cho bánh Dày.

Nhưng “lạ miệng” hơn phải kể tới món rau ăn kèm từ thân chuối non và đặc biệt là lá Phá Hom có mùi vị đặc trưng, không lẫn với bất cứ loại rau gia vị nào ở miền xuôi. Ông Thành cho hay, lá Phá Hom được tìm thấy tại những nơi có dòng nước chảy rầm rì quanh năm và khí hậu mát mẻ, ít chịu ánh nắng trực tiếp. Chính bởi vậy, loại lá ăn kèm này gần như không tìm thấy ở miền xuôi. Trước đây, lá Phá Hom chỉ được tìm thấy ở những vách đá cao, thoai thoải và có dòng nước suối chảy từ trên cao xuống. Nay, một số hộ dân tộc Dao đã mang loại lá này xuống trồng tại vườn nhà.

Ước vọng ngày Xuân

Tết Tạ ơn của đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì thường kéo dài khoảng một tháng trước Tết Nguyên đán của người Kinh. Vào những ngày này, đồng bào dân tộc Dao sẽ tổ chức “cỗ lá” để mời người thân, bạn bè, xóm giềng tới chung vui, gửi gắm đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới…

Nhưng trước khi các gia đình tổ chức những mâm “cỗ lá” vui Xuân đón Tết, đồng bào dân tộc Dao sẽ cùng nhau chuẩn bị lễ vật cung tiến tại miếu thờ linh thiêng để tạ ơn tổ tiên, thần linh, các bậc tiền nhân… đã phù hộ độ trì cho Quốc Thái Dân An, người dân có sức khỏe và một năm mưa thuận, gió hòa. Xã Ba Vì có 3 thôn thì mỗi thôn có một ngôi miếu linh thiêng như vậy. Lễ vật để cung tiến trong Tết Tạ ơn do các hộ tùy tâm đóng góp. Ai có lợn thì gửi lễ vật là lợn, ai có gà thì cung tiến gà… Tên gọi “Tết Tạ ơn” cũng bắt nguồn từ ý nghĩa nhân văn sâu xa đó.

Theo Trưởng thôn Hợp Sơn Triệu Minh Huấn, miếu thờ thường được xây dựng tại vị trí cao nhất của thôn bản, hướng nhìn xuống vùng dân cư dưới chân núi. Sử sách ghi lại, vào những năm 1960 trở về trước, cứ mỗi lần thay trưởng bản là một lần ngôi miếu được xây dựng lại, tại một vị trí mới. Việc thay đổi vị trí ngôi miếu cũng phụ thuộc vào việc năm đó, đồng bào dân tộc có gặp tai ương, hoạn nạn lớn hay không. Dù vậy, rất nhiều năm trở lại đây, vị trí của những ngôi miếu được giữ nguyên. Đồng bào dân tộc chỉ tu sửa trên nền cũ khi miếu thờ bị xuống cấp.

Giống như người dân khắp nơi, những ngày đầu Xuân năm mới, đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì cũng có truyền thống đi thăm hỏi, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến họ hàng, người thân, bạn bè, xóm giềng. Mùa Xuân những năm gần đây, những bản người Dao còn vinh dự tiếp đón những vị khách từ miền xuôi lên tìm kiếm phong vị ngày Tết miền sơn cước, tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao. Những nét đẹp tưởng chừng dung dị, nhưng một lần chạm đến - nhớ mãi không nguôi; để thấy lòng thổn thức khi rời những bản làng mù sương khói, khi chiều dần buông.