Xuất khẩu dịch vụ du lịch gặp thời

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công cuộc mở cửa dịch vụ theo cam kết khi gia nhập WTO đã tạo điều kiện cho xuất khẩu dịch vụ, trong đó có xuất khẩu dịch vụ du lịch phát triển và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu cả nước.

 Du khách trải nghiệm tại không gian đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Hồ Hạ.
Tăng cao đột biến
Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch ước đạt 5,2 tỷ USD, cao hơn mức của cả năm 2010. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 18,9%, tương đương 0,83 tỷ USD.
Đáng lưu ý tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch trong 6 tháng này cao hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu toàn nhóm ngành dịch vụ (16,4%) và cao hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dịch vụ (16,1%) và của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Đây là trạng thái hiếm thấy trong nhiều năm qua.

Đạt quy mô và tốc độ tăng cao như trên do lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt tốc độ tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách đến Việt Nam đông và tăng so với cùng kỳ năm trước ở tất cả các châu lục. Châu Á có số khách đông nhất (chiếm 76,9% tổng số) và tăng rất cao (32,7%). Trong đó, Trung Quốc gần 2,57 triệu lượt người, chiếm 32,5% tổng số, tăng tới 36,1%; Hàn Quốc hơn 1,71 triệu lượt người, chiếm 21,7% - chỉ riêng 2 nước trên đã chiếm 54,3% tổng số; một số nước và vùng lãnh thổ khác có số khách đạt trên 100 nghìn lượt người (Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Campuchia). Châu Âu có số khách đông thứ hai với 1087,5 nghìn lượt người, chiếm 13,8% tổng số và tăng 11%. Kế đến là lượng khách từ Châu Mỹ, Châu Phi.
 Tốc độ tăng 1 số chỉ tiêu liên quan đến xuất/nhập khẩu dịch vụ du lịch 6 tháng đầu năm (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê
Chưa vội mừng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch thấp hơn tốc độ tăng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Điều đó chứng tỏ chi tiêu bình quân 1 khách quốc tế đến Việt Nam đã bị giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do nhiều yếu tố, trong đó có một số yếu tố đáng chú ý.

Trước hết là những hạn chế, yếu kém ở trong nước trong việc khuyến khích khách quốc tế tăng chi tiêu. Trong cơ cấu chi tiêu bình quân 1 ngày của khách, tỷ trọng chi tiêu năm 2017 cho đi lại tại Việt Nam chỉ khoảng 15,1 USD, chỉ chiếm 15,7% tổng chi tiêu tại Việt Nam, thấp hơn các năm trước (2005 chiếm 18,7%, 2011 chiếm 17,6%, 2013 chiếm 17,4%); chi tiêu mua hàng hóa chỉ khoảng 14,5 USD, chiếm 15,1%.

Thời gian ở lại Việt Nam của khách du lịch không nhiều. Kết quả điều tra cho thấy, số ngày bình quân 1 lượt khách quốc tế năm 2005 ở lại là 8,7, năm 2006 là 9,5, năm 2009 là 9,1, năm 2010 là 8,8, năm 2011 là 9, năm 2013 là 10,4, năm 2017 là 7,2 - giảm khá sâu so với 2013. Trong 6 tháng 2018, chi tiêu bình quân 1 lượt người của khách quốc tế đến Việt Nam giảm, nên số ngày đến Việt Nam của 1 lượt khách có thể còn tiếp tục giảm.

Thời gian ít, chi tiêu không nhiều có thể còn do tình trạng ở các điểm du lịch trải dài, rộng trong cả nước ít có sự khác biệt, không khuyến khích khách đến nhiều điểm.

Một yếu tố rất quan trọng lâu nay ít được phân tích là cơ cấu lượng khách đến từ các nước có mức chi tiêu trong những ngày ở Việt Nam khác nhau. Những nước mà khách chi tiêu bình quân 1 ngày cao hơn mức bình quân chung (96 USD/ngày) là: Thái Lan, Malaysia, Bỉ, Singapore, Nhật Bản, Campuchia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thụy Điển, Australia, NewZealand, Philipines, Hoa Kỳ, Indonesia, Đài Loan; trong khi Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng số khách đến Việt Nam chỉ chi tiêu 92,2 USD - thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung.