Xung quanh đề xuất bỏ chế độ công chức, viên chức đối với giáo viên: Bài toán sàng lọc của nghề giáo?

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không còn công chức, viên chức trong giáo dục; giáo viên (GV) sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động “có vào, có ra” thay vì hợp đồng làm việc theo Luật Viên chức là đề xuất mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra mới đây.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình là sự phản đối cùng những băn khoăn nếu ý tưởng này được thực hiện.
Chỉ người giỏi mới tồn tại

Không phải ngẫu nhiên mà một chuyên gia có thâm niên làm quản lý ở trường đại học (ĐH) sư phạm phản đối việc GV làm việc theo hình thức hợp đồng lao động. Là bởi GV cần sự ổn định trong công việc để chuyên tâm trau dồi chuyên môn. Nếu làm việc theo kiểu hợp đồng lao động có thời hạn, chắc chắn họ sẽ cảm thấy cuộc sống không biết mai này ra sao. Vì thế, các nghề hành chính khác thực hiện ký hợp đồng làm việc có thời hạn, nhưng nghề giáo thì không nên.
Giờ lên lớp của cô và trò trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề này, TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam lại lập luận: “Hợp đồng lao động xác định thời hạn sẽ giúp cơ sở giáo dục linh hoạt sử dụng lao động. Khi nhà trường thiếu GV có thể tuyển dụng thêm, nếu người lao động không đáp ứng được yêu cầu thì sớm thanh lý hợp đồng”. Đó là cái nhìn thực tế từ góc nhìn của nhà quản lý giáo dục.

Thực tế, nhiều chuyên gia đang làm công tác quản lý ở các trường phổ thông cũng đồng tình với việc bỏ biên chế, ký hợp đồng lao động có thời hạn đối với GV để lựa chọn được người có năng lực trong giảng dạy. Vì GV là khâu quyết định bên cạnh yếu tố đào tạo và sử dụng, tuyển chọn, đãi ngộ. TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng trường trường THPT Đinh Tiên Hoàng phân tích: “Trước đây, chúng ta tuyển dụng chứ không tuyển chọn, đãi ngộ GV càng kém. Bây giờ mình phải động viên họ làm việc hết khả năng. Không thể có tình trạng GV lĩnh lương tháng rồi cứ thế ngồi chờ đến hết năm. Khi ký hợp đồng lao động rồi, ai có năng lực tốt mới được giao nhiều giờ dạy”. Đồng quan điểm, GS Vũ Tuấn – nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội còn chỉ ra cái lợi khi ký hợp đồng lao động, GV sẽ phấn đấu dạy tốt. Thực tế, có nhiều GV dạy không đạt yêu cầu, nhưng vì được vào biên chế, nên lãnh đạo nhà trường cứ phải “chịu đựng” đến khi họ nghỉ hưu. Hợp đồng lao động đối với GV cũng loại bỏ được tình trạng “chạy” biên chế. “Nhiều học trò của tôi cho biết họ không có hàng trăm triệu đồng để “đi cửa sau”, đành làm công việc trái ngành. Tôi hy vọng khi thực hiện GV ký hợp đồng lao động sẽ loại bỏ được tình trạng này. Chỉ những ai dạy tốt mới tồn tại, không đạt yêu cầu sẽ bị sa thải” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Khuyến khích làm việc thực sự

Ủng hộ việc ký hợp đồng lao động với GV mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra để đảm bảo công bằng đối với người dạy và sử dụng lao động uyển chuyển, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đưa ra ý kiến: Tùy thuộc vào chủ sở hữu của trường để có hình thức ký hợp đồng lao động. Ví dụ, tập thể là chủ sở hữu của trường thì nên áp dụng ký hợp đồng dài hạn. Nếu chủ trường là cá nhân, việc tuyển người vào làm việc nên theo hợp đồng lao động có thời hạn 1, 2, 3 năm. Việc tiếp tục ký hợp đồng đối với GV hay chấm dứt cần có minh chứng rõ ràng. Nhất là đối với những trường ĐH, rất cần những tiêu chí cụ thể để tham khảo. Chẳng hạn, đánh giá giảng viên qua việc lấy ý kiến nhận xét của sinh viên sau một năm học. Nếu có nhiều ý kiến không tốt, hiệu trưởng gặp trực tiếp người đó để cảnh báo nguy cơ sẽ bị sa thải.
 Giờ thực hành của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, điều TS Lê Đông Phương băn khoăn khi thực hiện ký hợp đồng lao động đối với GV chính là nếu chủ sử dụng lao động không minh bạch sẽ dẫn đến tuyển dụng người lao động không đúng yêu cầu. Hệ thống giáo dục có tính cấp tiến, nếu những người đứng đầu nhà trường không đàng hoàng, tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục. Vì thế, hiện nay, một số nước vẫn có biên chế GV để giữ lực lượng lao động được ổn định. Cũng bởi tính chất nghề nghiệp của nhà giáo cần sự ổn định tương đối, hệ thống giáo dục có biến động đầu vào, áp dụng biên chế GV sẽ duy trì được lực lượng cần thiết để khắc phục nhanh chóng những thay đổi nhất thời. Ví dụ, năm nay, trường ít học sinh nhưng sang năm lại tăng thêm nhiều, nhà trường chỉ cần tuyển thêm một số lượng ít người dạy. Hay những nơi không dễ tuyển GV, năm nay ít học sinh thì giảm bớt lực lượng giảng dạy, nhưng sang năm, số người học tăng lên, câu chuyện tìm GV không dễ. Phương án thực hiện hợp đồng lao động đối với GV cũng không thể áp dụng đồng loạt cho tất cả các địa phương. Ở vùng sâu vùng xa, khó khăn trong việc tuyển GV có chất lượng, có khi việc áp dụng biên chế GV sẽ phù hợp hơn hợp đồng lao động.

Áp dụng hợp đồng lao động đối với GV sẽ giúp các trường tuyển được người giỏi, GV có thu nhập tăng lên. Nhưng để làm được việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị trước hết GV cần được đãi ngộ thỏa đáng. Cụ thể, GV được trả lương cao tính theo hiệu quả lao động để người giỏi có cuộc sống ổn định, từ đó tận tâm với nghề. Bên cạnh việc thực hiện có lộ trình để GV cần có thời gian chuẩn bị trước về tâm thế và năng lực, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng mới thu hút được người dạy giỏi. Đây chính là cách sàng lọc GV tốt nhất để góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam - GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo viên sẽ được chọn trường để làm việc

Tôi đồng tình với hình thức hợp đồng làm việc đối với GV, vì trước hết họ được quyền chọn nơi làm việc. Không những thế, những GV miền xuôi lên miền núi giảng dạy khi hết hạn hợp đồng sẽ có cơ hội trở về. Việc thực hiện ký hợp đồng đối với GV cũng phải mềm dẻo để giữ được người giỏi bằng những điều khoản đặc biệt. Ví dụ, hợp đồng trả lương cho GV ở Thái Bình 4 triệu đồng/tháng thì ở Mù Cang Chải phải từ 7 triệu đồng trở lên. Trong thời hạn thực hiện hợp đồng, nếu người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc, chủ sử dụng có quyền sa thải. Nhà trường cũng có thể ký hợp đồng với những người giỏi như GS, PGS đã về hưu nhưng vẫn còn sức khỏe và năng lực làm việc để thu hút người tài.

Việc ký hợp đồng với GV nên thí điểm ở tất cả các cấp học với thời hạn từ 3 – 5 năm và có thể triển khai được ngay. Với cách làm này, tôi tin những người giỏi đều tán thành. Đối với những GV đang là công chức, viên chức, cần được rà soát lại, ai đạt yêu cầu thì tiếp tục ký hợp đồng, những người khác thì chuyển công việc hoặc cho nghỉ hưu sớm.

Phó Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương Đỗ Tùng: Cần có lộ trình

Tôi nghĩ hợp đồng GV, đối với các trường có tiềm năng và bề dày sẽ rất thuận lợi trong việc tuyển dụng được người tài. GV giỏi sẽ đổ về các trường có thương hiệu. Như thế, hợp đồng GV sẽ làm khó cho những cơ sở giáo dục có sức hút yếu và vùng miền núi. Hiện nay, chúng tôi đang rất khó khăn trong việc giữ chân giảng viên. Bây giờ không có gì ràng buộc họ về cơ chế, chính sách, chúng tôi không biết phải làm sao. Đây cũng là thách thức cho các trường top giữa và dưới, bởi thực tế đang diễn ra xu hướng này. Vì thế, chúng tôi rất muốn chủ trương này có lộ trình, chứ không thể ngay một lúc xóa bỏ ngay công chức, viên chức GV.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội - Bộ LĐTB&XH - TS Nguyễn Hữu Dũng: Tăng quyền tự chủ cho các trường

Hợp đồng lao động đối với GV là vấn đề được tranh luận từ lâu, liên quan đến nhận thức và quan điểm có thị trường hóa các trường công lập hay không. Nếu thực hiện việc ký hợp đồng lao động với GV sẽ đồng nghĩa chuyển chức năng các trường này sang cung cấp dịch vụ thị trường thay vì dịch vụ công hiện nay. Điều này là khó được chấp nhận. Tuy nhiên, để tăng quyền tự chủ có thể cho phép các trường công lập tuyển GV theo phương thức hợp đồng lao động với một tỷ lệ nhất định. Trước hết chỉ nên cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập đủ điều kiện, trường phổ thông công lập chất lượng cao ở khu vực đô thị, vì thị trường lao động phát triển, có tính cạnh tranh.