Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

1.000 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2017

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/8, tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức họp báo Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (Vietnam Online Marketing Forum - VOMF 2017).

Chưa chú trọng khách hàng
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Vecom cho biết, chủ đề chính của Diễn đàn năm nay là “Những xu hướng tiếp thị nổi bật” dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của trên 1.000 DN thương mại điện tử và trên 50 đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị trực tuyến. Tại đây, định hướng các giải pháp và cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến được chia sẻ, đồng thời hỗ trợ các DN thương mại điện tử xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp, nâng cao hiệu quả tiếp thị cũng như tiếp cận toàn diện tới các DN tiếp thị trực tuyến hàng đầu.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Diễn đàn sẽ bắt đầu với phiên tổng quan về tiếp thị trực tuyến. Tiếp đó là ba chủ đề lớn bao quát những xu thế tiếp thị trực tuyến nổi bật, bao gồm Tiếp thị liên kết và Tiếp thị qua các công cụ tìm kiếm “Affiliate marketing trends and Search engine marketing”; Tiếp thị tự động và Tiếp thị đa kênh “Programatic marketing and Multichanel marketing”; Tiếp thị trên di động, mạng xã hội và tiếp thị nội dung “Mobile marketing, Social marketing, content marketing” và những hình thức tiếp thị khác như tiếp thị qua thư điện tử, Livestream marketing, Video marketing, SMS marketing…
Các diễn giả tại VOMF là những chuyên gia uy tín từ những tổ chức và DN hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh tiếp thị trực tuyến, bao gồm: Nielsen, Google, Facebook, comScore... Theo ông Azhar Bin Adnan - CMO CMC Telecom, nhiều DN gia nhập thương mại điện tử nhưng 70% là thất bại. Thách thức là các nhà cung cấp thường tập trung xây dựng hệ thống bản thân nội tại mà quên mất chú trọng trải nghiệm của khách hàng, trong khi thống kê có 35 - 40 triệu người Việt Nam sử dụng smartphone và 35% sử dụng dịch vụ online. Hiện DN đang sử dụng nền tảng có nguy cơ bị xâm nhập, mối đe dọa về bảo mật, dù nhận được tầm quan trọng bảo mật nhưng họ không nhận được lời khuyên từ chuyên gia. Hay cổng thanh toán của người dùng kết nối với ngân hàng nhưng 90% sử dụng thanh toán bằng tiền mặt, nên cần phải tập trung phát triển thẻ tín dụng ví điện tử, cũng như cần có phương thữ hợp lý, đảm bảo vận chuyển đến người tiêu dùng...
Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade cho rằng, 70% khách hàng quyết định mua hàng qua tư vấn của bạn bè, người khác... chính vì vậy khách hàng sử dụng dịch vụ affiliate marketing - tiếp thị liên kết ảnh hưởng tới 14% quyết định mua hàng của người tiêu dùng ở Mỹ. Còn ở Việt Nam có nhiều hình thức bán hàng trực tuyến tiềm năng. Do đó, cần có chương trình đào tạo chuyên nghiệp, các công cụ hỗ trợ, trong khi thiếu cơ hội tài chính... “Dịch vụ này tăng trưởng ở Việt Nam, nếu mua hàng trên các trang TMĐT là xu hướng tiếp thị trực tuyến khi không còn là banner mà đòi hỏi chuyển đổi có sự tham gia của các tên tuổi nổi tiếng, bán hàng xuyên biên giới như qua amazon” - vị này nói.
Mạng xã hội lên ngôi
Cũng theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2016 mạng xã hội vượt qua công cụ tìm kiếm để trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được DN sử dụng nhiều nhất với các tỷ lệ tương ứng là 47% và 41%. Email tiếp tục là kênh quảng cáo được nhiều DN quan tâm (36%). Quảng cáo qua báo điện tử và báo giấy khá ổn định với các tỷ lệ tương ứng là 34% và 20%. Quảng cáo trên truyền hình có xu hướng giảm và ổn định dần ở mức xấp xỉ 10 - 13%. Mạng xã hội không những được sử dụng nhiều nhất mà còn được coi là kênh quảng cáo hiệu quả tương đương với công cụ tìm kiếm, 46% DN cho biết quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao trong khi tỷ lệ này với công cụ tìm kiếm là 44%.
Kết quả khảo sát DN này của VECOM phù hợp với một cuộc khảo sát độc lập khác với đối tượng tham gia là các khách hàng cá nhân mua sắm trực tuyến. Có tới 67% khách hàng cá nhân chọn lựa website hay ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội. Đáng chú ý là yếu tố thứ hai tác động tới quyết định sẽ mua sắm trực tuyến vẫn dựa vào sự giới thiệu của bạn bè và người thân (47%), trong khi các quảng cáo trên báo điện tử, báo giấy và tivi chỉ đứng thứ ba (33%).
Tuy nhiên, còn tới 17% DN tham gia khảo sát cho biết chưa triển khai bất kỳ hoạt động quảng cáo trực tuyến nào. Theo khảo sát của VECOM, doanh thu của toàn bộ thị trường quảng cáo trực tuyến vẫn trên đà tăng trưởng mạnh. Ngoài các DN, đông đảo thương nhân là những hộ kinh doanh và cá nhân đã khai thác lợi thế của bán hàng trực tuyến. Thành phần này đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của quảng cáo trên các mạng xã hội.
Diễn đàn Tiếp thị Trực tuyến 2017 sẽ được tổ chức ở 2 địa điểm: Ngày 15/8 tại TP Hồ Chí Minh và ngày 17/8/2017 tại Hà Nội. Diễn đàn là dịp để thúc đẩy thị trường tiếp thị trực tuyến nói riêng cũng như thương mại điện tử Việt Nam ngày một phát triển, đồng thời giúp các DN tiếp cận những xu thế mới của tiếp thị trực tuyến.