Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay (20/5), Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII chính thức khai mạc.

Theo tổng hợp của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, trong số 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, có nhiều băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu tăng cao; nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; hậu quả của đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi…
 
1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội - Ảnh 1

Cử tri Tô Hữu Nghĩa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của các ĐBQH  Hà Nội ngày 14 /5.Ảnh: Thanh Hải
 
Đề nghị quyết liệt sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế Nhà nước

Vấn đề kinh tế - xã hội là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri. Băn khoăn trước tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới và năng lực của cơ quan Nhà nước trong việc quản lý điều hành thị trường vàng; tình trạng doanh nghiệp phá sản, thiếu việc làm...
 

Cử tri hoan nghênh Quốc hội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, kéo dài thời gian góp ý đến hết tháng 9/2013. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động; một số nơi in, phát Dự thảo tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến chưa tốt. Cử tri, các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc; đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu.

Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế Nhà nước; tái cấu trúc các doanh nghiệp, kiên quyết giải thể các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm thất thoát vốn và tài sản Nhà nước. Cùng với đó, tiếp tục có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân, diêm dân, đồng thời có các giải pháp kiên quyết, hữu hiệu xử lý hàng giả, hàng lậu…

Cử tri bày tỏ lo lắng khi viện phí đã tăng, nhưng tình trạng xuống cấp, quá tải ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện ở T.Ư vẫn không giảm. Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện; xây dựng thêm các bệnh viện khu vực; nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ cả về chuyên môn và y đức... Cử tri cũng bức xúc trước tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến nhiều cơ sở hành nghề y của người nước ngoài hoạt động trái phép, chất lượng khám, chữa bệnh không đảm bảo, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… 

Cử tri cũng nêu lên nhiều bức xúc  xung quanh "căn bệnh" thành tích trong giáo dục không giảm; hậu quả của việc mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng; cơ sở dạy nghề trên toàn quốc rất phân tán; tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các khu công nghiệp, làng nghề, vùng nông thôn; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường thiếu sự kiểm soát…

Tránh hình thức trong lấy phiếu tín nhiệm

Về phòng, chống tham nhũng, cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm; chủ động rà soát xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công… Cử tri và nhân dân quan tâm và hoan nghênh việc thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu và việc thành lập lại Ban Nội chính ở T.Ư và các tỉnh, thành, đồng thời hy vọng trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt.Cử tri kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai cần có những quy định cụ thể; mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có cơ chế thu hồi khác nhau để tránh tiêu cực; việc thu hồi đất cần phải đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…

Vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn là nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng của cử tri. Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được thực chất, không hình thức. Theo đó, Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn. 

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, những ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được truyền tải tới Quốc hội ngay trong phiên khai mạc.

Xem xét nhiều nội dung quan trọng

Theo dự kiến chương trình, trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đồng thời, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992…

Trong hơn một tháng làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án Luật, một Nghị quyết; cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác.