Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

1 tháng, biển Đông hứng chịu 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê chưa đầy 1 tháng qua, biển Đông đã phải hứng chịu 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, chỉ trong khoảng 1 tuần của tháng 7 (từ ngày 17 - 24/7), đã xảy ra hai cơn bão số 2 (Talas) và số 4 (Sơn Ca).

Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường, việc hai cơn bão đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ trong tháng 7 là điều bất thường, hiếm thấy. Bởi theo quy luật từ nhiều năm qua về hoạt động của bão: Từ tháng 1 đến tháng 4, bão có xu hướng đổ bộ vào khu vực Bắc Bộ; tháng 5 đến tháng 7, sẽ đổ bộ vào Trung Bộ, sau đó là Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
 Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Thống kê qua nhiều năm cũng cho thấy, thường thì hơn 10 năm mới có bão đổ bộ vào khu vực miền Trung trong tháng 7. Ví dụ tháng 7/1973, có một cơn bão đổ bộ vào TP Vinh (Nghệ An). Đến tháng 7/1985 mới có bão đổ bộ vào Quảng Bình. Tới tháng 7/1993 và sau đó là tháng 7/2011 có bão đổ bộ vào Nghệ An. Thế nhưng riêng tháng 7/2017, chỉ trong vòng 1 tuần, đã có liên tiếp hai cơn bão đổ bộ vào khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Bộ.

Liên quan tới áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, bản tin chiều 28/7 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hiện áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Nam. Dự kiến trưa mai (29/7), áp thấp nhiệt đới sẽ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực phía Đông vùng biển Bắc biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trên đất liền khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông. Chiều tối và đêm có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc.