Mỗi tháng thêm 1 đô thị mới
Đây là con số ông Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), đưa ra khi nhắc tới tốc độ đô thị hoá trong 10 năm qua (1999 – 2009).
Vào năm 1999, số đô thị của Việt Nam là 629, đến năm 2009 đã là 754. "Như vậy là tăng thêm 125 đô thị sau 10 năm xây dựng và phát triển, tức là tăng trung bình 1 đô thị/tháng", ông Hải nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Hải, tốc độ tăng trưởng này không tỷ lệ thuận với tiến độ lập và xét duyệt quy hoạch đô thị cũng như nguồn lực dành cho hoạt động này.
Cho tới nay, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 chủ yếu được lập cho các khu trung tâm hành chính, khu dân cư hoặc các khu chức năng của đô thị.
Tỷ lệ diện tích lập được quy hoạch chi tiết 1/2000 mới chiếm từ 35% đến 75% so với diện tích xây dựng ở các đô thị. Diện tích lập quy hoạch chi tiết 1/500 rất ít, hầu hết gắn với dự án đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, ông Hải nhấn mạnh, quá trình lập và xét duyệt quy hoạch xây dựng đang để hổng sự tham gia của cộng đồng, nhất là ý kiến của các nhà đầu tư phát triển đô thị.
Đồng tình với ông Hải, ông Lê Văn Trúc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên phản ánh một thưc tế tại địa phương là việc thực hiện quy hoạch sau phê duyệt còn bất cập giữa các ngành, các cấp.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật lại phân tán theo từng ngành, từng cấp quản lý dẫn tới việc đầu tư không đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của hầu hết các đô thị.
Quy hoạch phải gắn thu hút vốn
Khả năng tạo vốn thực hiện quy hoạch đang là vấn đề được giới kinh tế đề xuất. Điều đó có nghĩa là tư duy xây dựng quy hoạch phải thay đổi.
Lâu nay, quy hoạch xây dựng thường nhằm tới mục đích phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển đô thị là chính. Ông Trúc cho rằng, điều này là không đủ.
“Việc lập quy hoạch còn phải nhằm mục đích kêu gọi đầu tư phát triển, nhất là thu hút nguồn vốn thực hiện ngay các nội dung trong quy hoạch đó”, ông Trúc nói và cho rằng, song song với việc xác định mục tiêu quy hoạch, tìm kiếm ý tưởng quy hoạch, nhà tư vấn còn phải biết kết hợp với việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng, triển vọng của địa phương trong đồ án quy hoạch xây dựng để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, thực hiện các dự án trong quy hoạch.
“Với cách làm quy hoạch này, phạm vi nghiên cứu quy hoạch rộng hơn và tầm nhìn quy hoạch phải dài hơn”, ông Trúc đề xuất.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng đồng tình với quan điểm cần huy động các nguồn lực để nâng cao độ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tại các đô thị được phê duyệt, đảm bảo quy hoạch đi trước một bước phục vụ yêu cầu của các nhà đầu tư.
Đây chính là một trong những chìa khoá cho nút thắt về hạ tầng đô thị không theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tốc độ đô thị hóa của đất nước.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị, tiếp tục tổ chức rà soát lại toàn bộ quy hoạch xây dựng tại các đô thị trên cơ sở quy hoạch kinh tế – xã hội, gắn với việc xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành khác.
Đối với các đồ án quy hoạch đã quá cũ, ông Tâm đề nghị cần phải rà soát để hủy bỏ hoặc thay đổi theo các quy định mới nhằm xây dựng các đô thị hiện đại, bền vững và quan trọng là tạo cơ hội hấp dẫn các nguồn lực đầu tư xây dựng đô thị.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa rất cao. Đến năm 2050, mục tiêu đề ra là nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa với tỷ lệ đô thị hóa lên tới 80%.
1 tháng ra đời 1 đô thị mới
KTĐT - Quy hoạch đô thị phải luôn đi trước một bước. Chúng ta cần những người tài giỏi để có thể xây dựng được những bản quy hoạch đô thị áp dụng cho 30 năm, 50 năm, thậm chí là 100 năm sau".
KTĐT - Quy hoạch đô thị phải luôn đi trước một bước. Chúng ta cần những người tài giỏi để có thể xây dựng được những bản quy hoạch đô thị áp dụng cho 30 năm, 50 năm, thậm chí là 100 năm sau".