10 năm thực hiện thắng lợi nghị quyết về "tam nông"
Sáng 27/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức và quan điểm của Đảng về lĩnh vực quan trọng này. Nghị quyết đi vào cuộc sống, làm nền tảng giúp nông nghiệp Việt Nam chuyển mình và phát triển mạnh mẽ, thay đổi diện mạo nông nghiệp nông thôn.
Từ một nước phải nhập khẩu nông sản lương thực, đến nay nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp bình quân khu vực nông thôn đã tăng từ 60,6% lên 73%; thu nhập tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng/người/năm 2008 lên 32 triệu năm 2017.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận, bên cạnh thành tích đã đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục. Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân; sớm khắc phục tinh thần thiếu tự tin, chờ đợi của một bộ phận nông dân.
Theo Thủ tướng, ở đâu cấp ủy, người đứng đầu quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt thì ở đó, nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển mạnh mẽ, diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Bên cạnh đó phải thay đổi tư duy sản xuất, bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0...
Bắt nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà
Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 04 bị can có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu từ và phát triển Việt Nam (BIDV).
Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 22/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV; cùng ngày đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với: Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV; Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.
Các bị can trên bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang và Kiều Đình Hòa; Áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thị Vân Anh.
Liên quan đến vụ việc, tháng 6/2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật khai trừ Đảng với ông Trần Bắc Hà do làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV; gây bức xúc trong xã hội.
Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Chủ tịch BIDV đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong số này có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng với 12 công ty liên quan vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB)...
Sau 13 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, sáng 30/11, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tuyên án đối với 92 bị cáo trong vụ án đường đây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng.
Trong đó, Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phan Văn Vĩnh phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tuyên phạt bị cáo Vĩnh 9 năm tù. Hình phạt bổ sung bị cáo Vĩnh 100 triệu đồng.
Cùng tội danh, Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hóa mức án 10 năm tù. Hình phạt bổ sung bị cáo Hóa 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Công ty CNC) 5 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc", 5 năm tù về tội "Rửa tiền". Tổng hình phạt Dương chịu mức án 10 năm tù.
Bị cáo Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Công ty VTC Online) bị tuyên 2 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc", 3 năm tù về tội "Rửa tiền". Tổng hình phạt, bị cáo Nam chịu mức án 5 năm tù.Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Nguyễn Văn Dương có vai trò quan trọng nhất trong vụ án này. Với tội "Tổ chức đánh bạc", Dương là người chủ mưu cầm đầu nhóm bị cáo tội này.
Dương đứng đầu Công ty CNC, nhận lời hợp tác với Phan Sào Nam để vận hành đường dây đánh bạc qua mạng. Bị cáo Dương hoàn toàn nhận thức được hệ thống đánh bạc qua mạng là bất hợp pháp nhưng vẫn vận hành đường dây, đồng thời đã sử dụng nhiều cách để hợp thức hóa tài sản phạm pháp và rửa tiền.
Cũng theo Hội đồng xét xử, bị cáo Phan Văn Vĩnh là người cầm đầu, chỉ huy Nguyễn Thanh Hóa trong việc tạo điều kiện, bao che đường dây tổ chức đánh bạc. Bị cáo Vĩnh còn có hành vi che giấu với cấp trên, tìm cách cho game bài hoạt động trái phép, xóa dấu vết, hợp thức hóa khi cơ quan Thanh tra tiến hành kiểm tra.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đã không thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, việc đề xuất thành lập Công ty CNC là trái với quy định; ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che cho hành vi này, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý; không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an; chậm báo cáo và báo cáo không trung thực với lãnh đạo Bộ Công an để che giấu hành vi sai phạm của Công ty CNC.
Các bị cáo khác chịu mức án tương xứng với hành vi vi phạm pháp luật, mức độ gây hậu quả liên quan đến các nhóm tội danh: “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”. Bản án tuyên án 92 bị cáo trong vụ án này dài gần 400 trang.
Xét xử đại án thiệt hại trên 3.608 tỷ đồng tại DABank
Sáng 27/11, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và
“Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.
Phiên tòa với 26 bị cáo hầu tòa; hơn 50 luật sư, 27 tổ chức và 306 cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cùng tham dự.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Phương Bình (sinh năm 1959, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB); Trần Kim Xuyến (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng giám đốc DAB) bị truy tố về hai tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79); Phạm Văn Phước (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Nam Định) bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 25/12.
Tử hình kẻ giết 2 "hiệp sĩ đường phố"
Sáng 29/11, TAND TP Hồ Chí Minh đưa hai bị cáo Nguyễn Tấn Tài (Tài "mụn", 24 tuổi, ngụ quận 12), Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) ra xét xử về tội Giết người, Cố ý gây thương tích, Trộm cắp tài sản.
Nạn nhân trong vụ án này là 2 "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) và Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp).
Theo cáo trạng, chiều 13/5/2018, Tài gọi điện rủ Phú đi trộm xe máy. Khi cả hai đang đi trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) thì các “hiệp sĩ” đường phố: Trần Văn Hoàng, Nguyễn Văn Thôi, Nguyễn Hoàng Nam, Đinh Phú Quý, Nguyễn Đức Huy, Lê Văn Tuyên và Đinh Văn Tài nghi ngờ nên bám theo.
Tài và Phú phát hiện chiếc xe SH không người trông coi dựng trước cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng 8 nên đến lấy trộm. Khi Tài vừa mở khóa chiếc SH định rú ga tẩu thoát thì "hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng chạy xe máy tông thẳng vào khiến Tài và chiếc SH ngã xuống đường.
Các “hiệp sĩ” Hoàng, Thôi, Nam và Tuyên lao đến khống chế, bắt giữ Tài. Lúc này, Tài dùng dao đâm nhiều nhát vào nhóm “hiệp sĩ” khiến anh Thôi và Nam chết tại chỗ còn anh Hoàng bị thương.
Khi Phú rú ga định tẩu thoát thì bị hai “hiệp sĩ” Quý và Huy kẹp cổ, nắm đuôi xe giữ lại. Để giải vây đồng bọn, Tài chạy đến dùng dao đâm anh Quý và anh Huy khiến cả hai trọng thương.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt tử hình Nguyễn Tấn Tài và mức án chung thân dành cho Nguyễn Hoàng Châu Phú.
Hủy 2 bản án vụ lùi xe gây tai nạn trên cao tốc
Ngày 30/11, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tổ chức phiên họp để xét xử giám đốc thẩm vụ án lùi xe trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và qua các ý kiến của các thành viên Hội đồng xét xử, Ủy ban Thẩm phán đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Đề nghị hủy Bản án phúc thẩm số 181 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018 của Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội để điều tra lại theo thủ tục chung.
Bên cạnh đó Ủy ban Thẩm phán đề nghị điều tra làm rõ nhiều vấn đề còn đang tranh cãi trong vu án này.
Phá tổ chức tín dụng đen lớn nhất từ trước đến nay
Sáng 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) thông báo kết quả điều tra ban đầu chuyên án triệt xoá tổ chức tín dụng đen được cho là lớn nhất cả nước, hoạt động tại 63 tỉnh thành.
Theo manh mối vụ án, ngày 19/7 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận Nguyễn Văn Minh (19 tuổi), nhân viên của Công ty tài chính Nam Long có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Minh làm việc cho chi nhánh ở tỉnh Bắc Kạn với nhiệm vụ thu hồi tiền nợ. Nạn nhân bị đa chấn thương, sức khỏe nguy kịch. Khi biết bệnh nhân tử vong, người đưa đi cấp cứu đã bỏ chạy.
Khoảng tháng 7/2018, Minh thu tiền của khách hàng nhưng không nộp về chi nhánh và còn cầm cố thêm một chiếc xe máy lấy 20 triệu đồng, sau đó bỏ trốn. Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Công ty Tài chính Nam Long) sau đó chỉ đạo đàn em khống chế Minh đưa về trụ sở tại Hà Nội, tổ chức họp "kỷ luật". Chúng yêu cầu Minh xin lỗi lãnh đạo công ty, xin chữ ký từng người cho ở lại hoặc đưa ra pháp luật. Nhóm này đưa ra một bát cơm và một bát chất thải, bắt anh Minh chọn 10 lần. Mỗi lần nếu nạn nhân bò đến bát cơm liền bị hành hạ, đánh đập.
Ngày 10/7, Minh tiếp tục được đưa về Thanh Hóa để "cải tạo và dạy dỗ cách làm người". Do bị đánh quá nhiều, nạn nhân bất tỉnh và phải đưa đi cấp cứu.
Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm có tổ chức hoạt động tín dụng đen, Công an tỉnh Thanh Hóa báo cáo Bộ Công an xác lập chuyên án.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Công ty Tài chính Nam Long chỉ là "công ty ma", không có đăng ký kinh doanh, chuyên thực hiện giao dịch cho vay với lãi suất "cắt cổ", có khách hàng phải trả "lãi mẹ, lãi con" lên tới hơn 1.000% một năm.
Tổng số tiền giao dịch tại công ty ước hơn 510 tỷ đồng. Khi các con nợ chậm trả, nhóm sẽ hành hung, đe dọa và cưỡng đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần số tiền vay.
Nam Long có 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, mỗi chi nhánh phụ trách 2 - 5 tỉnh do một người quản lý. Tổ chức này hoạt động chuyên nghiệp, bài bản với các giáo trình xử lý nợ, giáo án thẩm định và phân loại khách hàng...
Với nhân viên, công ty lập hệ thống các văn bản quy định nội bộ, quy chế kỷ luật hà khắc như phạt 50 - 100 triệu đồng nếu phá hợp đồng; tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế; sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bản thân và gia đình bị bắt cóc, đe dọa, hành hung.
Sau 4 tháng điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. 9 người trong băng nhóm do Nguyễn Đức Thành cầm đầu bị khởi tố. Trong số này có 7 người đã bị bắt, hai trường hợp còn lại đang bị truy nã.
Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bị kỷ luật
Ngày 27/11/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 149-TTr/UBKTTW, ngày 21/11/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến trách nhiệm các sai phạm xảy ra đối với Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu.
Ban Bí thư nhận thấy, trong thời gian giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh chịu trách nhiệm với cương vị là người đứng đầu, thiếu trách nhiệm khi ký Công văn số 721/BKHĐT-KCHTĐT, ngày 24/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án.
Sau khi có thông tin bất thường của Dự án, ông Bùi Quang Vinh đã có văn bản đề nghị dừng Dự án, nhưng lúc đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định phê duyệt và thực hiện Dự án. Ông Bùi Quang Vinh đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ sai phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Các cơ quan chức năng đã tiến hành xem xét, xác định vi phạm, khuyết điểm của ông Bùi Quang Vinh phải được áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét nội dung, mức độ, hậu quả các vi phạm và quá trình công tác, đóng góp cho Đảng, Nhà nước của ông Bùi Quang Vinh, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh bằng hình thức Khiển trách.
Một công trình xây dựng vi phạm đất rừng phòng hộ tại xã Minh Trí. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Trong những ngày vừa qua, nhiều báo có bài viết phản ánh tình trạng các công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng phòng hộ tại nhiều xã thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội gây bức xúc dư luận.
Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra đất rừng huyện Sóc Sơn tại Văn bản số 2664/VPCP-V.I ngày 22/5/2006 của Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/12/2018.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2019.
Việt Nam lọt top 100 đội bóng mạnh nhất thế giới
Theo công bố mới nhất của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trong tuần qua, đội tuyển Việt Nam vừa được cộng thêm 4 điểm để tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam vươn lên từ vị trí thứ 102, lọt top 100 đội bóng mạnh nhất thế giới với tổng số 1224 điểm.
Như vậy, HLV Park Hang Seo đã hoàn thành lời hứa đầu tiên sau khi ông được VFF bổ nhiệm vào tháng 10 năm ngoái. Đây sẽ là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam lọt top 100 thế giới kể từ năm 2011.
Trước đó vào tháng 6/2011, Việt Nam từng được FIFA xếp hạng 99 thế giới. Vị trí tốt nhất trong lịch sử của bóng đá Việt Nam là 98 (tháng 10/1998 và tháng 12/2003).
Với thứ hạng 100, đội tuyển Việt Nam vẫn đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Xếp các vị trí tiếp theo lần lượt là Philippines (114) và Thái Lan (118).
Cùng với những thành công của đội tuyển Việt Nam, tuần qua những diễn biến bên ngoài sân cỏ đã thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó có sự việc, ngày 28/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tiến hành mở bán vé online trận bán kết gặp Philipines trên 4 website của mình. Theo thông báo từ VFF sẽ có 20.000 vé được phát hành qua phương thức bán online.
VFF mở bán vé online khiến nhiều người mừng thầm vì không phải chịu cảnh xếp hàng như ở trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Malaysia. Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng, khi các website của VFF lâm vào tình trạng quá tải.
Theo thông báo từ 4 trang bán vé của VFF, chỉ sau hơn 30 phút mở bán online, tất cả các mệnh giá vé đều được bán hết. Và cũng từ đó rất nhiều ý kiến nghi ngờ tính minh bạch trong việc bán vé của VFF.