10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII: Thể hiện tầm nhìn chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của Thủ đô
Kinhtedothi - Nhằm hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội đã sớm ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa. Đến thời điểm này, theo đánh giá, hầu hết những nhiệm vụ và chỉ tiêu quan trọng được đề ra tại 10 chương trình công tác của Thành ủy đã gần về đích…

Uy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trải nghiệm các ứng dụng chuyển đổi số dùng chung 3 cấp của TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Khẳng định vai trò đầu tàu của cả nước
Trong số 10 chương trình công tác của khóa XVII, bên cạnh những chương trình mang tính kế thừa, như các chương trình về công tác xây dựng Ðảng, xây dựng nông thôn mới, quốc phòng - an ninh, phòng, chống tham nhũng… để phù hợp với tình hình mới, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã bổ sung 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ trước. Ðó là Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.
Sau 4 năm triển khai, đến thời điểm này, theo đánh giá, hầu hết những nhiệm vụ và chỉ tiêu quan trọng được đề ra tại 10 chương trình công tác của Thành ủy đã gần hoàn thành. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ TP và sự đồng thuận cao trong Nhân dân, để khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Điển hình, ngay sau khi Thành ủy ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025”, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai với 39 nhiệm vụ trọng tâm, phân công cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị, rõ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm hoàn thành. Đến nay, 39/39 nhiệm vụ đã được hoàn thành.
Đáng chú ý, kinh tế Thủ đô ghi nhận phục hồi tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2024 tăng 6,21%, cao hơn khoảng 1,1 lần mức tăng của cả nước (5,66%). Mục tiêu năm 2025, GRDP của Hà Nội tăng từ 8% trở lên, bình quân giai đoạn 2021 - 2025 GRDP tăng 6,57%, cao hơn cả nước (khoảng 6%). Thu nhập bình quân đầu người tính theo GRDP năm 2024 đạt 163,5 triệu đồng (6.763 USD) - gấp 1,26 lần năm 2020. Thu ngân sách được bảo đảm và vượt dự toán hằng năm. Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp; kịp thời bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Mạng lưới giao thông được Hà Nội tổ chức lại góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng; các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được tích cực rà soát, xử lý dứt điểm; môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm cải thiện…
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-Ctr/TU khẳng định, Chương trình số 02-CTr/TU đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ và chính quyền TP trong việc xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và hội nhập quốc tế của cả nước. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, tăng cường đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D), thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, TP đang tích cực triển khai Luật Thủ đô năm 2024, để sớm hiện thực hóa những chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy quá trình phát triển Thủ đô bền vững.
Góp phần xây dựng thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại
Để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển theo hướng đô thị xanh, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành và đưa vào triển khai một chương trình mới, đó là Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”. Đến nay, đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 9/19 chỉ tiêu. Dự kiến tổng số chỉ tiêu hoàn thành đến cuối nhiệm kỳ 14/19 chỉ tiêu; còn 5/19 chỉ tiêu gặp khó khăn, vướng mắc. Kết quả, trên địa bàn TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động thêm 5 trung tâm thương mại lớn; hoàn thành 5 không gian, tuyến phố đi bộ; dự kiến đến hết năm 2025, TP sẽ thực hiện xây dựng mới, cải tạo được 62 công viên, vườn hoa (đạt 137,7% chỉ tiêu đề ra).

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, để trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Phạm Hùng
Về mạng lưới nước sạch, đầu nhiệm kỳ (năm 2021) có 247/413 xã được đầu tư mạng cấp nước sạch tập trung với khoảng 975.097 hộ và đạt tỷ lệ khoảng 80% người dân nông thôn được tiếp cận sử dụng nguồn nước sạch tập trung. Hết năm 2024, tổng số xã được đầu tư mạng lưới cấp nước sạch khoảng 346/413 xã (tăng 99 xã với khoảng 186.000 hộ, tương đương khoảng 774.000 người so với đầu nhiệm kỳ), đạt tỷ lệ 95%. Hiện nay, còn 67/413 xã (tương đương khoảng 59.000 hộ dân) đang được các đơn vị tập trung nguồn lực triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Về chỉ tiêu chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến, hiện nay số tuyến các quận đề xuất chỉnh trang hè, đường phố là 311 tuyến. Lũy kế thực hiện từ năm 2021 đến nay đã chỉnh trang hè, đường phố 256/311 tuyến. Như vậy, so với chỉ tiêu chương trình là chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến thì hiện nay đã vượt chỉ tiêu với 256/180 tuyến (đạt 142% so với kế hoạch). Đến nay, TP đã xây mới và cải tạo được 25 chợ so với kế hoạch của chương trình là đầu tư xây dựng 20 chợ; xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện có đề án lên quận, hiện đã có 20 dự án khả thi (5 dự án đang thi công, 10 dự án sẽ phê duyệt trong năm 2025 và 5 dự án khởi công năm 2025)…
Đánh giá tính hiệu quả của chương trình này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU cho biết, đây là chương trình khó, với 19 chỉ tiêu và 56 nhiệm vụ cụ thể, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Song, với việc triển khai bài bản, nghiêm túc, khoa học, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sau 4 năm thực hiện, chương trình đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với những hiệu quả Chương trình số 03-CTr/TU mang lại trong công tác chỉnh trang đô thị, Chủ tịch HĐND TP đề nghị các sở, ngành, quận, huyện nghiên cứu để duy trì chương trình trong giai đoạn tiếp theo và lan tỏa, góp phần xây dựng Hà Nội là TP văn hiến, văn minh, hiện đại.
Tác động tích cực đến đời sống Nhân dân
Là một trong ba chương trình mới được Thành ủy Hà Nội khóa XVII ban hành, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”, đến nay các chỉ tiêu đề ra đã cơ bản hoàn thành. Chương trình đã lan tỏa với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của TP được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống Nhân dân. Theo đó, chương trình đề ra 27 chỉ tiêu, có 1 chỉ tiêu không đánh giá, còn 26 chỉ tiêu đánh giá; đến nay đã hoàn thành 25/26 chỉ tiêu, 1 chỉ tiêu ước hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ. Trong số các chỉ tiêu có thể kể đến chỉ tiêu về GD&ĐT, Hà Nội là 1 trong 4 tỉnh, TP được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Tính đến hết năm 2024, toàn TP có 1.745/2.841 cơ sở đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3 (đạt 61,4%), trong đó công lập 75,8% (1.723/2.272).
Một chỉ tiêu nữa là phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2021 đến nay, TP đã giải quyết việc làm cho trên 822.000 lượt lao động và tỷ lệ thất nghiệp toàn TP đạt dưới 3%.
Về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, từ năm 2021 đến nay, toàn TP đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 970.493 lượt người. Trong đó, trình độ cao đẳng 136.177 người, trình độ trung cấp 121.267 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 713.049 người. Việc gắn kết với DN trong công tác đào tạo nghề được TP chỉ đạo quyết liệt. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%...
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình 08-CTr/TU diễn ra mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU đã đánh giá, đây là chương trình khó với nhiều nhiệm vụ quan trọng, song Ban Chỉ đạo đã triển khai các hoạt động nghiêm túc, bài bản, khoa học, sâu sát, hiệu quả với nhiều cách làm đổi mới. Trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ của chương trình, nhiều quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và có những cách làm hay, sáng tạo góp phần phát triển hệ thống an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn. Những kết quả đạt được trong chương trình đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội và là nền tảng cho sự ổn định, phát triển của TP…
Có thể thấy, kết quả trong thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến toàn diện. Kết quả mà 10 chương trình công tác toàn khóa này mang lại không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong giai đoạn 2021 - 2025, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, có ý nghĩa hết sức cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của Thủ đô trong những giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là thước đo để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của mình. Từ đó, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động, thúc đẩy Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân Thủ đô và cả nước.

Chương trình số 08-CTr/TU: Lan tỏa nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về an sinh, xã hội
Kinhtedothi - Sáng 24/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.

Quận Thanh Xuân: nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU
Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, quận Thanh Xuân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, ghi dấu những bước tiến rõ nét trong phát triển văn hóa, giáo dục, thể thao và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Chương trình 07-CTr/TU: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng tiện ích cho người dân Thủ đô
Kinhtedothi – Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình số 07 của Thành ủy đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Đây chính là nền tảng quan trọng cho việc phát triển KHCN&ĐMST Thủ đô giai đoạn 2025 – 2030.