Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

10 hàng, quán trên 30 năm tuổi vẫn nườm nượp khách ở Hà Nội

Hồ Hạ (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hà thành nổi tiếng không phải chỉ bởi nền ẩm thực hấp dẫn với vô vàn món ăn ngon, địa điểm đẹp hay giá thành rẻ mà còn bởi có nhiều hàng, quán ăn ngon thấm đượm hồn cốt văn hóa Hà Nội suốt mấy chục năm trời.

Dưới đây là 10 hàng, quán đã hơn 30 năm tuổi ở Hà Nội nhưng lúc nào cũng đông khách:
1. Phở gà Hàng Hành
Nói đến các quán phở gà ngon không thể không nhắc đến quán ăn Hà Nội hơn 30 năm tuổi ở Hàng Hành, nằm ở ngã tư Yết Kiêu và Đỗ Hành. Phở gà Hàng Hành đông đến mức chỉ sau vài tiếng mở bán là quán đã hết sạch nguyên liệu cho món phở gà ngon nổi tiếng này.
Một bát phở gà 30.000 đồng suốt 30 năm chưa hương vị chưa hề thay đổi, vẫn đầy đặn với bánh phở, thịt gà, nước dùng trong và ngọt tự nhiên. Bát phở gà nóng hổi được rắc thêm chút tiêu, cho thêm vài lát ớt, thêm cả chút tương ớt, ít dấm chua hoặc vắt quất vào, có thể cho thêm cả quẩy, đảo đều lên rồi thưởng thức. Một hương vị thơm ngon sẽ khiến cho mọi giác quan trong bạn đều được đánh thức. Nếu bạn thích ăn thêm đồ như da, tiết, trứng hoặc giá thì có thể gọi thêm, giá một bát phở sẽ nâng lên tầm 35.000 – 40.000 đồng.
Quán mở bán từ 4h sáng đến tầm 10h sáng là đã hết veo đồ. Quán đặc biệt đông vào khoảng từ 7h – 9h. Vào quán ăn phở gà, bạn có thể phải lên tầng hoặc ngồi ở bên ngoài. Nhưng một quán ăn ngon với hương vị truyền thống đặc trưng như vậy thì mất xíu thời gian trèo lên tầng hay bất tiện với việc phải ngồi bên ngoài thì cũng đáng.
2. Miến lươn Chân Cầm
Quán miến lươn Chân Cầm ở số 1 Chân Cầm là quán ăn Hà Nội rất được lòng người dân Hà Thành và khách du lịch.
Trên con phố Chân Cầm, đoạn nối giữa Lý Quốc Sư và Phủ Doãn có một quán miến lươn hơn 30 năm tuổi. Đây là quán ăn Hà Nội số 1 về miến lươn của đất Hà Thành. Ở đây ngoài miến lươn có đủ loại từ miến nước, miến xào đến miến lươn trộn. Món nào cũng ngon là vì lươn ở đây là lươn đồng, được chế biến giòn tan, thơm ngon cực kỳ cùng với nước dùng đặc biệt. Nước dùng được chế biến kì công theo công thức gia truyền, tiết và xương lươn thì để ninh lấy nước cốt, hoà thêm chút nước vào để tạo thành thứ nước dùng rất chất, mang đặc trưng riêng của quán.
Quán ăn Hà Nội 30 năm này đã chiếm được tình cảm của nhiều người, cả khách du lịch lẫn người dân ở đây. Với món miến lươn trộn, sợi miến dai mềm, lươn chiên giòn tan, béo béo bùi bùi, thêm vào cả chút cà chua, dưa chuột, và ít lạc rang, ít rau mùi và hành khô nữa, rưới thêm chút nước dùng vào bát chắc chắn sẽ là món ăn yêu thích khi bạn muốn đổi vị.
3. Cháo trai Trần Xuân Soạn
Vốn là thức quà chiều quen thuộc, giá cháo trai ở Hà Nội thường chỉ dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/bát. Thế nhưng ở phố Trần Xuân Soạn, số tiền thực khách phải trả cho một bát cháo lại đắt gấp đôi. Ấy vậy mà quán vẫn không lúc nào ngớt khách, đặc biệt vào mùa đông hoặc giờ tan tầm.
 
Nếu đã ăn ở Trần Xuân Soạn một lần, chắc chắn thực khách sẽ nhớ mãi vị ngọt đậm đà của cháo, vị trai xào vừa miệng, từng cái quẩy cũng giòn ngon và thái độ phục vụ chuyên nghiệp của cả nhân viên lẫn chủ quán. Nhờ hàng loạt ưu điểm này mà suốt 30 năm nay, quán ăn đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người “nghiện” cháo trai.
Các nguyên liệu ở đây đều được để riêng trong những "xô" lớn, bao gồm cháo, quẩy đã cắt nhỏ, hành, rau răm, hành khô phi thơm và thịt trai xào. Khách muốn ăn thế nào chủ quán đều có thể chiều theo ý. Một bát cháo thông thường có giá 25.000 đồng. Càng cho thêm nhiều trai giá càng cao, có thể lên mức 30.000 - 35.000 đồng.
Chia sẻ về bí quyết nấu cháo, chủ quán tiết lộ, tất cả trai đều được chị mang từ quê lên, do chính gia đình tự tay nuôi nên đảm bảo độ sạch sẽ, thơm ngon. Cháo nấu đúng theo kiểu truyền thống lại được bán giữa con phố đông đúc nhất Hà Nội, có lẽ vì vậy mà mức giá này cũng được nhiều người chấp thuận.
4. Bánh đúc bà Nội phố Lê Ngọc Hân
Bánh đúc nóng ở Hà Nội lâu năm nhất phải kể đến một quán ăn mộc mạc nằm khuất trong con ngõ ở đầu phố Lê Ngọc Hân. Nhiều thực khách cho rằng, chính nhờ yếu tố "ngon - bổ - rẻ" mà quán bánh đúc đắt khách suốt 30 năm qua.
Bánh đúc ở đây chỉ 15.000 đồng/bát với đủ bánh, nước dùng, đậu phụ và nhân thịt xào mộc nhĩ, hành hoa. Nhiều người khen rằng đồ ăn ở đây rất ngon, gia giảm vừa miệng, miếng bánh đúc lúc nào cũng mềm, dai và dẻo quánh.
Khi có khách gọi, chủ quán thường lấy bánh trước rồi mới cho nhân thịt sau. Nhưng điều đặc biệt là lúc bê ra thì miếng bột bánh, thịt và nước dùng dường như đã hòa quyện lẫn trong nhau từ bao giờ. Bánh đúc bà Nội ở phố Lê Ngọc Hân ngày nắng hay ngày mưa vẫn đông khách dập dìu kéo nhau vào thưởng thức.
Bí quyết để quán duy trì được sự lâu năm đến vậy là bởi ngoài món bánh đúc nóng, bà Nội rất tinh ý trong việc thêm sự lựa chọn cho người ăn với bún ốc, bún riêu, bánh đa cá-cua trộn...mà món nào cũng ngon nức lòng, đến ăn 1 lần là sẽ còn quay lại.
5. Chè 4 mùa
Nhiều thế hệ người dân thủ đô vẫn gắn bó với quán chè nhỏ nằm ngay đầu phố Hàng Cân, bốn mùa xoay vòng các món chè khác nhau, hiếm có ngày nào ngơi khách.
Mở từ trước năm 1975, đây được coi là một trong những quán chè lâu đời nhất ở phố cổ Hà Nội. Biển hiệu quán “Chè 4 mùa” khá dễ nhận thấy khi đi ngang qua phố Hàng Cân. Từ một không gian rất nhỏ ở nhà số 4, quán mở rộng thêm ra số 6 và số 8, phục vụ khách liên tục từ sáng đến tận 11h đêm.
Lượng khách ở quán rất ổn định, dù vào mùa đông hay mùa hè. Chiều chiều dạo phố cổ, nhìn thấy dãy khách ngồi tràn ra vỉa hè thưởng thức cốc chè thơm ngon, nhiều khách du lịch dù chưa có dịp nghe danh cũng tò mò ghé vào ăn thử.
Tới quán vào mùa hè, bạn có thể thưởng thức chè đậu xanh, đậu đen, sen nhãn dừa, thạch trân châu… Mùa đông, quán lại thay đổi thực đơn với chè bà cốt, bánh trôi tàu, lục tàu xá... Không có nhiều nguyên liệu cầu kỳ, “chè 4 mùa” hấp dẫn bởi chính hương vị truyền thống của bánh trôi trắng mịn, vị gừng cay nồng, hạt sen mềm bùi nhưng không nát, đỗ xanh sánh mịn nhưng không quá đặc, nước chè thoảng hương nhài, ngọt thanh.
6. Quán chè thập cẩm cũ 1976
Nhắc đến những quán ăn nổi tiếng đất Hà thành, nhiều thế hệ thực khách từ già đến trẻ vẫn thường xuyên truyền lại cho nhau về một quán chè nổi tiếng nằm trong con ngõ 72 Trần Hưng Đạo. Đó là quán chè thập cẩm cũ 1976.Dù phải bỏ ra khoảng 45.000 – 60.000 đồng cho một cốc chè nhưng thực khách vẫn luôn trông ngóng có cơ hội quay trở lại đây lần nữa.
Đa số thực khách khi đến quán đều gọi chè thập cẩm để đỡ mất công chọn lựa lại còn có thể gia giảm nguyên liệu theo sở thích. Không phải ngẫu nhiên mà chè cũ 1976 nổi danh giữa một rừng chè thập cẩm hao hao giống nhau. Bên cạnh những nguyên liệu truyền thống như đỗ xanh, đậu đỏ, vài cục khoai dẻo, cùi nhãn ngọt thanh, lớp nước cốt dừa thơm ngậy trên cùng... chủ quán còn sáng tạo ra những hương vị rất riêng mà nếu không tinh ý, thực khách sẽ khó lòng nhận ra.
Trong cốc chè “đắt nhất Hà Thành”, bà chủ quán đã tinh tế cho thêm vào đó vài viên trân châu nhân vừng dừa lạ miệng cùng một chút hạt cốm sữa non xanh mềm. Bên cạnh đó, thực khách tha hồ được nuông chiều vị giác với những miếng mãng cầu chua chua nhưng có thể khiến người ta ngồi ăn hết sạch đến tận đáy cốc.
Không chỉ có mỗi chè thập cẩm, quán còn có vô vàn các loại chè sương sa hạt lựu, sen cốt dừa, nếp cẩm cốt dừa, và cả chục cái tên độc đáo như chè thốt nốt trân châu, thốt nốt cốt dừa, khúc bạch dâu cốt dừa, hạt é trân châu... đủ chiều lòng mọi sở thích của khách. Món nào cũng đầy đặn no căng, pha trộn như một tác phẩm nghệ thuật sắc màu đầy ngọt ngào hấp dẫn.
7. Cà phê Lâm phố Nguyễn Hữu Huân
Là một trong những quán cà phê truyền thống lâu đời nhất Hà Nội, cà phê Lâm thậm chí đã bước vào giai đoạn “lục tuần" chứ không phải chỉ trên 30 năm tuổi. Người ta yêu Lâm bởi hương vị quyến rũ đặc trưng chỉ riêng quán nhỏ này mới có. Đó là thứ cà phê đậm đà, vị "sắc" và "khét" nhưng đủ tầm, rất ngọt, rất say.
Nhưng đó chưa là tất cả. Quán cà phê cổ còn nổi tiếng bởi tranh. Tại đây trưng bày rất nhiều bức tranh sinh động về con người và phố phường Hà Nội, những bức chân dung tự họa kèm bút tích, những bản thảo văn chương chép tay... mà tác giả là những tên tuổi từng làm xao xuyến tâm hồn bao thế hệ người Việt, như các danh họa Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng; các nhạc sĩ nhà văn, nhà thơ: Văn Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Thế Lữ, Hữu Loan, Phùng Quán...
Còn gì có thể tuyệt vời hơn khi bạn đến uống cà phê và được ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật của năm tháng với đủ màu sắc kích cỡ, gợi cho khách một cảm giác nhẹ nhàng, bình yên và có chút gì đó thật hoài cổ. Café Lâm đã đăng ký thương hiệu và có mặt trên bản đồ du lịch như một địa điểm cần phải đến ở Hà Nội.
8. Cà phê Giảng
Cà phê Giảng, nằm khiêm nhường sâu trong ngõ 39 trên phố Nguyễn Hữu Huân, thuộc khu phố cổ. Quán có thể khó tìm, nhưng những trải nghiệm mà bạn có được rất xứng đáng để bỏ công tìm kiếm.
Những người Hà Nội nghiện café thì không lạ lẫm gì với Cà phê Giảng, nhất là với món cà phê trứng. Cà phê Giảng được ông Nguyễn Văn Giảng mở vào năm 1946, khi ông đang làm bartender cho khách sạn 5 sao Sofitel Metropole Hanoi.
Mặc dù đã chuyển địa điểm 2 lần, nhưng công thức chế biến món cà phê trứng gần như không hề thay đổi so với những ngày đầu từ 70 năm trước, với các thành phần chính là lòng đỏ trứng gà, bột cà phê Việt Nam, sữa đặc có đường, bơ và phô mai.
Cà phê sau khi được lọc bởi phin sẽ được ủ trong 1 chén nhỏ, trước khi được trộn với lòng đỏ trứng đánh bông (đánh kĩ) cùng các thành phần khác. Chiếc cốc được đặt trong một bát nước nóng để giữ nhiệt. Ông Giảng đã phát triển các công thức trong thời kỳ đường, sữa còn rất khan hiếm ở Việt Nam. Ông đã sử dụng lòng đỏ trứng để thay thế sữa.
Dù thời gian trôi qua, món cà phê tuyệt vời này với các thành phần trứng, sữa,  sẽ mê hoặc và làm bạn không thể quên được hương vị của nó. Hương vị của trứng béo ngậy, hương vị  thơm và đậm đà.
Nhưng điều khiến cho cà phê của Giảng trở thành duy nhất và khác biệt với cà phê của các nhà hàng khác, chính là công thức pha trộn và trứng đến độ hoàn hảo, nhằm hạn chế tối đa vị ngấy và tanh của trứng gà.
9. Cà phê Năng
Tồn tại trên đất Hà Nội cũng khoảng 50 năm rồi nên nhắc đến Cà phêc Năng, số 6 Hàng Bạc là người ta nghĩ đến ngay tách cà phê đậm đặc làm người uống phải choáng váng.
Và cũng chính vì cái choáng váng đó, người ta đã “nghiện” cà phê ở đây lúc nào không biết. Nằm trong con phố cổ đông đúc, chật hẹp, đôi khi đến đây người ta còn thấy bất tiện bởi khó tìm được chỗ để xe nhưng không vì thế mà Cà phê Năng vắng khách.
Dù sáng, trưa, chiều hay tối, quán  này lúc nào cũng tấp nập. Hồi đầu, Cà phê Năng chỉ có một địa chỉ duy nhất là ở Hàng Bạc nhưng đến giờ cũng phải có đến vài ba cái Năng mọc lên rồi, khang trang hơn, đẹp đẽ hơn.
10. Cà phê Nhân
Cà phê Nhân đã ra đời và gắn bó với người Hà Nội từ năm 1946. Song đó không phải là tên hiệu của gia đình một cụ Nhân mở giữa lòng phố cổ Hà Nội như nhiều người vẫn lầm tưởng mà ở một vùng sơ tán của những người Hà Nội yêu nước. Cà phê Nhân chính là đứa con tinh thần của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Thi và cụ Trần Thị Thanh Kỳ.
Ông Thi cùng hai người bạn là cụ Thế và cụ Nhân đã tự nghiên cứu công thức pha cà phê, từ khâu chọn nguyên liệu đếu rang, xay thủ công để cho ra đời một thương hiệu  chung mà ba cụ đều thống nhất đặt tên là Nhân. Tuy do ba người sáng lập, nhưng chỉ có gia đình cụ Thi - Kỳ là người trực tiếp tìm tòi, chế biến và kinh doanh.
Cho tới thời điểm này, ở Hà Nội đã có gần một chục quán mang thương hiệu Cà phê Nhân do các con và cháu ông bà Thi Kỳ mở ở Hàng Hành, Láng Hạ, Nguyễn Thái Học, phố Đê La Thành...