Bà Irina Bokova- Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: ĐT) |
Tham dự hội thảo có bà Irina Bokova- Tổng Giám đốc UNESCO cùng đại diện các địa phương có di sản và đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Hội thảo là cơ hội tốt để tiếp nhận thông tin, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể mang tầm quốc tế. Văn hóa phi vật thể là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của mỗi dân tộc, là động lực chính của đa dạng văn hóa và sự đảm bảo phát triển bền vững. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay cùng với những thay đổi lớn trên mọi mặt xã hội dẫn đến các mối đe dọa cho việc bảo vệ di sản phi vật thể ở Việt Nam cũng như trên thế giới…
Theo ông Tuấn, Công ước của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng; góp phần nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng. Do vậy, Hội thảo lần này ngoài ý nghĩa đã nêu còn là dịp để tổng kết những gì đã làm được, những gì chưa làm được quan 10 năm thực hiện Công ước, đánh giá một cách khách quan những thành tựu đã đạt được để tiếp tục phát huy và thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập cần phải khắc phục trong chặng đường sắp tới. Ngoài ra, mong muốn các chuyên gia và các đại biểu có những đề xuất giải pháp cụ thể, sáng tạo, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của toàn cầu hóa tới việc bảo vệ và hơn nữa là phát huy vai trò di sản văn hóa phi vật thể mang tầm quốc tế.
Chia sẻ Việt Nam về các vấn đề mà Hội thảo lần này quan tâm, bà Irina Bokova- Tổng Giám đốc UNESCO trong bài phát biểu của mình cho biết: Năm 2013 là năm kết thúc 10 năm thực hiện Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hiện đã có 150 nước cam kết thực hiện nhằm nỗ lực xây dựng những giá trị văn hóa, nỗ lực hơn nữa để bảo vệ các di sản. Từ năm 2015, cần kêu gọi các nước bảo vệ, coi trọng giá trị di sản, vì nếu không có văn hóa thì không có di sản. Chúng ta, những thành viên của Liên hợp quốc cần tiếp tục nỗ lực tiếp cận việc bảo vệ di sản văn hoá. Chúng ta nên đặt ra mục tiêu bảo vệ di sản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần nhận thức rõ về mối quan hệ giữa văn hoá và phhát triển, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá, nhất là văn hoá phi vật thể.
Bà Irina Bokova cũng nhấn mạnh: Trong 10 năm thực hiện Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, đã có rất nhiều quốc gia phê chuẩn để bảo vệ các khía cạnh của văn hóa. Trong thời gian tới, các địa phương cũng như các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để đi đến cùng việc bảo vệ di sản văn hóa. Đặc biệt, cần coi trọng giá trị văn hóa vì không có văn hóa thì không có di sản.
“Những thành viên của Liên hợp quốc cần tiếp tục nỗ lực tiếp cận việc bảo vệ di sản văn hóa, đồng thời đặt ra mục tiêu bảo vệ di sản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần nhận thức rõ về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể. Riêng ới Việt Nam, UNESCO luôn sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ với các bạn các kinh nghiệm, các giải pháp để thực hiện nhằm từng bước đẩy mạnh hơn nữa quá trình “hiện thực hóa” các muc về bảo vệ Di sản văn hóa mà UNESCO và các nước thành viên đã cam kết”- bà Irina Bokova nhấn mạnh.
Hội thảo thu hút nhiều đại biểu sáng 23/6 (Ảnh: ĐT) |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là di sản văn hóa phi vật thể cũng như việc thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; phát huy sự hợp tác giữa các nước ASEAN trong việc bảo tồn di sản văn hóa; Việt Nam đã chủ động và sáng tạo thực hiện các quy định và khuyến nghị của UNESCO trong công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Đồng thời với các vấn đề trên, các nội dung về nâng cao ý thức cộng đồng về vai trò của UNESCO và Công ước 2003 - cảm nhận hơi thở từ xa xưa tại điểm di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam; suy ngẫm về việc thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Mexico: 10 năm trải nghiệm và thử thách... cũng được đưa ra thảo luận tại Hội thảo
Theo Ban tổ chức, gần 30 tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế tại Hội thảo đã tập trung làm rõ vai trò của UNESCO và tầm quan trọng của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO đối với công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam và thế giới; trao đổi kinh nghiệm về bảo vệ di sản, thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác giữa các nước tham gia thực hiện công ước; đánh giá, tổng kết quá trình 10 năm thực hiện công ước 2003 của Việt Nam – những thành tựu và yếu kém, cơ hội và thách thứ đối với việc bảo vệ di sản… Qua đó rút ra kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khả thi có thể nâng cao hiệu quả sự tham gia của Việt Nam vào việc thực hiện Công ước. Bên cạnh đó, làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với bảo tồn di sản văn hóa vật thể, với đa dạng văn hóa, với sự tham gia của xã hội vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa./.