Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn trao Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia cho Ban Giám hiệu trường Tiểu học Tân Dân. Ảnh: Nguyễn Trường |
Chỉ đạo xuyên suốt
Để quá trình thực hiện theo như kế hoạch đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân huyện Phú Xuyên”. Mặt khác, công bố đề án xây dựng NTM và đồ án quy hoạch các xã đã được phê duyệt. Qua đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng thời, thành lập tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo để tham mưu, ban hành 102 văn bản, 40 hội nghị quán triệt triển khai chương trình xây dựng NTM với trên 6.000 lượt người tham dự. Cùng với đó, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện đã ban hành hàng loạt văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ diện tích cấy máy, giống lúa mới chất lượng cao; quy định về việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp; hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy CNQSD đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT)…
Đến nay, toàn huyện Phú Xuyên có 20/26 xã được TP công nhận đạt chuẩn NTM. 6 xã còn lại đạt và cơ bản đạt 17 - 18 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 42,6 triệu đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2010. Toàn huyện năm 2010 có 4.904 hộ nghèo, chiếm 9,27%, đến nay chỉ còn 1.556 hộ nghèo, chiếm 2,07% (giảm 3.348 hộ). |
Đi đôi với những việc làm trên, công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức như tổ chức các buổi đối thoại “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” giữa lãnh đạo huyện, xã với Nhân dân. Qua đối thoại đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong 10 năm qua, Phú Xuyên đã tổ chức thành công 5 lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống, phát động phong trào thi đua “Phú Xuyên chung sức xây dựng NTM” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Kết quả thực hiện các phong trào đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, Nhân dân quan tâm, phấn khởi, đồng thuận và hưởng ứng thực hiện chương trình. Kết quả nổi bật là công tác DĐĐT và thực hiện đề án mạ khay cấy máy đã tạo luồng sinh khí mới cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, cán bộ, đảng viên phấn khởi tin tưởng cách làm, phương pháp chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Chia sẻ về kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi cho biết: Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về năng suất, chất lượng. Địa phương đã hoàn thành cơ bản công tác DĐĐT và cấp Giấy CNQSD đất nông nghiệp, hình thành hệ thống quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất. Đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, đã hình thành được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, rau an toàn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó nước sạch 41,8%).
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa tham quan gian hàng tại Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên. |
Kết quả tích cực
Để quá trình thực hiện đạt kết quả cao, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện định kỳ tổ chức giao ban đánh giá kết quả và triển khai thực hiện chương trình theo từng tháng, đưa ra bước triển khai tiếp theo. Còn ở cấp xã cũng thực hiện chế độ giao ban 2 lần/tháng đối với Ban Chỉ đạo cấp xã, 1 lần/tuần đối với cấp thôn, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, cán bộ đối với từng tiêu chí. Đây là cơ sở đánh giá xếp loại thi đua của cán bộ. Sau 10 năm thực hiện Chương trình, cơ cấu nông nghiệp của huyện Phú Xuyên đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt.
Đến nay, toàn huyện có 95 trang trại đạt tiêu chí NTM (tăng 61 trang trại so với năm 2010). Năm 2018, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 1.892 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2010 (năm 2010 là 1.450,6 tỷ đồng). Giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 104,7 triệu đồng/ha, tăng 16,9 triệu đồng so với năm 2010. Giá trị sản xuất thủy sản tăng mạnh, năm 2018 là 395,5 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2010. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện 2.510ha, sản lượng đạt 12.550 tấn, so với năm 2010, diện tích thủy sản tăng 1.150ha, sản lượng tăng 2,4 lần. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng cao. Đến hết năm 2018 đã có 107 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, chiếm 77,3%, có 53,520 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 95,1%. Thực hiện Chỉ thị 11-CT/TƯ của Thành ủy về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được thực hiện nghiêm túc.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: Thời gian tới, UBND huyện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển công trình giao thông, trường học, thiết chế văn hóa và các công trình bảo vệ môi trường. Tạo nguồn lực để tái đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nông dân. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tập trung phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề. Chú trọng bảo tồn, giữ gìn, phát huy, phát triển văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng thực hiện quy ước xây dựng NTM. Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.