10 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, các ĐB Quốc hội đoàn Hà Nội đã bày tỏ ý kiến, quan điểm, tâm tư, nguyện vọng của cử tri Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều ĐB liên tục có ý kiến tranh luận để làm rõ vấn đề và có những phát ngôn ấn tượng.

Phát biểu tại cuộc thảo luận tổ ĐB Quốc hội đoàn Hà Nội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); và báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016;  Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm từ TƯ Đảng và Chính phủ, đến các tỉnh, TP và bộ, ngành, “trên nóng, dưới cũng phải nóng”.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở nghị trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói: “Liên quan đến vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, theo quy định tại Nghị quyết 26 cũng như Luật Đầu tư công, chúng ta không được phép phát sinh nợ xây dựng cơ bản sau 31/12/2014. Tuy nhiên, trên thực tế, qua báo cáo kiểm toán nhà nước, còn những nơi, bộ, ngành, địa phương còn phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Và theo số liệu của kiểm toán nhà nước thì đến năm 2017 đã phát sinh 14.614 tỷ đồng, chúng tôi cũng mong muốn nếu có thể, Chính phủ có rà soát và điều chỉnh để làm sao chúng ta không có những trường hợp phát sinh như vậy”.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở nghị trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐB Hoàng Văn Cường chia sẻ: “Dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay bị xử lý, đi tù về chuyện quản lý yếu kém để DN lỗ, có chăng chỉ vì sai phạm. Cũng không có DN nào báo cáo đầy đủ lúc nào là lỗ, lúc nào lãi, thậm chí 1 DN khi cần báo cáo để tăng chức, tăng quỹ lương hoặc xin vốn thì ngay lập tức sẽ có 1 báo cáo là lãi, nhưng khi báo cáo cho cơ quan tài chính nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ. Người ta nói rằng, báo cáo tài chính của các DN như một phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi”.
Tranh luận lại với ý kiến của ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) về việc ĐB này cho rằng: “Nhiều ý kiến ĐB có đánh giá và kết luận là có dấu hiện oan sai trong vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương hoặc thậm chí dẫn dắt cho dư luận nói là có tội hay không có tội, tôi cho rằng việc như vậy trong khi tòa án đang xét xử là rất cảm tính và không thực sự thích hợp…”;
ĐB Nguyễn Quang Tuấn tranh luận: “Thực tế không hẳn như ĐB phát biểu, qua theo dõi từ đầu với cương vị một giáo sư ngành y tế, giáo viên trường đại học tôi rất quan tâm vấn đề xử án ở Hòa Bình. Chúng tôi không chỉ quan tâm các nhân viên y tế mà quan tâm đến sự minh bạch khách quan công tâm của phiên xử. Chúng ta không thể xử một người về trách nhiệm khi họ không được giao trách nhiệm. Không thể quy tội một người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó đúng ra vừa có vào tháng 4 năm 2018. Không thể quy trách nhiệm cho một bác sĩ chỉ biết cứu người và làm đúng chức trách nhiệm vụ của họ vào những việc họ không được giao, những kỹ năng họ không được đào tạo đó là chuẩn hóa nguồn nước RO trong chạy thận nhân tạo. Tôi mong rằng phiên xử này mang lại tiếng nói công minh, mang lại lòng tin của các nhân viên y tế. Tôi nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ công lý, bảo vệ các thầy thuốc đang ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh cho dù họ còn chưa được bảo vệ trước những hành động quá khích, bạo động, bạo lực ở trong bệnh viện”.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ĐB Nguyễn Văn Chiến đặt vấn đề: “Những dự án như Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy qua khu vực huyện Thường Tín, Phú Xuyên có những hầm chui và những đường dân sinh bắc qua nhưng chưa được xem xét một cách thấu đáo. Cụ thể, hầm chui vừa hẹp lại vừa thấp, những hôm mưa bão bị ngập dẫn đến những phương tiện của người dân lao động, sản xuất và sinh hoạt không lưu thông được. Có những người dân ở khu vực đó phải đi tắt qua hàng cây số, vài cây số mới lưu thông được. Như vậy dự án đó có được xem xét, thanh tra, kiểm tra những bất cập này không để phục vụ vì lợi ích của người dân. Mặt khác, chủ đầu tư thu lợi nhưng những vấn đề thiết kế không bảo đảm quyền lợi người dân, gây thiệt hại cho người dân trong vấn đề lưu thông, sản xuất và sinh hoạt thì có phương án để bồi thường, đền bù hay không?”
ĐB Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Luật đặc khu vẫn đang được xem xét nên cần có thời gian để trả lời, do đó, Chính phủ sẽ trả lời ĐB bằng văn bản sau.
Tại phiên thảo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ở nghị trường, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) cho hay: Cử tri cho rằng Chính phủ đầu tư phát triển văn hóa không tương xứng với phát triển kinh tế. Đại biểu nêu ví dụ: Khu di tích Đại Nội - Huế là một trong những di sản văn hóa thế giới, là di sản văn hóa lịch sử quốc gia và được Nhà nước đầu tư nhiều nhất trong những di tích quốc gia. Và trong 18 năm qua, khu di tích này chưa được đầu tư tương xứng, chỉ khoảng 1.480 tỷ đồng, chưa bằng số tiền đầu tư 1 km đường sắt trên cao và khoảng 1,5 km đường trong khu vực đô thị mới Thủ Thiêm.
Phát biểu tại nghị trường, ĐB Phạm Quang Thanh cho biết: Thương vụ Grap mua lại toàn bộ kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các tài xế tại Việt Nam. Các quốc gia Đông Nam Á khác đều đang điều tra thương vụ này. Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam cũng đã lên tiếng và chính thức điều tra. Dư luận xã hội rất quan tâm theo dõi, nếu không có cơ sở pháp lý hành vi này và các hành vi tương tự trong tương lai thì cơ quan cạnh tranh khó có thể can thiệp để bảo vệ môi trường cạnh tranh quốc gia và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quốc gia mình, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ…
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, ĐB Dương Minh Ánh cho biết: Cử tri Hà Nội có ý kiến, sau khi thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án nhưng nhiều dự án trong nhiều năm không thấy triển khai hoặc triển khai kém hiệu quả gây bức xúc cho người dân bởi dân thì bị lấy đất, còn đất thì để hoang hóa gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Một số đất dự án còn bị lấn chiếm, tái lấn chiếm gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý đất đai cũng như giải quyết khiếu kiện kéo dài. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết vấn đề này Bộ trưởng đã chỉ đạo thế nào, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và Bộ trưởng đã có giải pháp gì, cần bao nhiêu thời gian để giải quyết vấn đề này?
Sáng 30/5, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nhiều dự án luật chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng còn hạn chế khi trình Quốc hội. Trong khi đó một số quy định của pháp luật khi ban hành chưa đi vào cuộc sống thì đã gặp vướng mắc, có những quy định khi đi vào cuộc sống thì cản trở sự phát triển. “Nhiều dự án luật còn xa cuộc sống, có những dự án mới đưa ra dự thảo ban đầu đã nhận được sự phản đối rất gay gắt từ nhân dân, có người nói rằng “pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất”, ĐB Ngọ Duy hiểu nhấn mạnh.