Trong đó có những điểm sáng đáng ghi nhận trong nỗ lực chung của toàn ngành, điển hình là:
1. Bứt phá trong công tác hội nhập
Chưa bao giờ, trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.
Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Bộ Công Thương đã chủ trì, đề xuất, xây dựng 13 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế và được các nước ASEAN ủng hộ, đánh giá cao. Các sáng kiến này giúp tăng cường tính liên kết trong nội khối, tái cấu trúc các chuỗi cung ứng trong khu vực theo hướng bền vững.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác tích cực tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc để kết thúc hoàn toàn đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định RCEP sau 8 năm.
Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) tại Hà Nội chiều 30/6/2020. |
2. Xuất khẩu vượt khó bất chấp đại dịch, duy trì tăng trưởng dương; Xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại Việt Nam
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.
Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 31 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.
3. Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, được triển khai toàn diện, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới
Năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đạt mức cao nhất với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019. Bộ Công Thương đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều DN, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp; duy trì tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada…
Năm 2020, công tác áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng đẩy mạnh, góp phần bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Các công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng phù hợp cam kết quốc tế đã mang lại những hiệu quả nhất định.
4. Công tác quản lý thị trường có nhiều đột phá sau khi tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, phát hiện triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn
Năm 2020 là năm đặc biệt đối với lực lượng quản lý thị trường (QLTT) khi những tháng đầu năm 100% quân số tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra việc niêm yết giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Lực lượng QLTT tập trung đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Năm 2020 là năm thành công nhất trong Kế hoạch phát triển ngành công thương giai đoạn 2016 - 2020 |
5. Công nghiệp chế biến chế tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước
Năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, song sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn được duy trì và khởi sắc, đạt mức tăng trưởng dương. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019. Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, dự kiến IIP cả năm tăng khoảng 4%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp bình quân tăng 8,1%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (7,3%).
Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020.
6. Công tác thăm dò và khai thác dầu khí đạt kết quả tích cực: Dòng khí thương mại đầu tiên đã “cập bờ” từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt; Phát hiện dầu khí trữ lượng lớn tại mỏ Kèn Bầu.
Ngày 16/11, dòng khí đầu tiên từ mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đã 'cập bờ'. Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ m3 khí, 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế, đảm bảo cấp khí cho sản xuất điện.
Tháng 7/2020, giếng thẩm lượng 114-Ken Bau-2X đã được hoàn thành ở độ sâu 3.690 mMD với phát hiện dầu khí trữ lượng rất lớn tại mỏ khí Kèn Bầu (ước tính sơ bộ từ 7.000- 9.000 tỉ feet khối khí tự nhiên, tương đương khoảng 200 - 250 tỷ m3, bao gồm cả khí trơ), góp phần hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2020.
7. Thị trường trong nước được củng cố và giữ vững, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”
Ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã sớm nhận định tình hình, phối hợp với các địa phương có kế hoạch chủ động nguồn hàng, thực hiện được mục tiêu bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân trong mọi tình huống.
Nhiều sáng kiến thúc đẩy thị trường đã được triển khai, hàng loạt các chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại nội địa, khuyến mãi tập trung với các hoạt động nổi bật đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, nhờ đó sức mua trên thị trường đã nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đã đạt mức tăng trưởng 2,62%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 6,78%.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một cửa hàng tiện ích trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng |
8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại (XTTM), thực hiện mô hình xúc tiến thương mại mới kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp (hybrid), giúp DN trong nước tiếp cận từ xa các đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch
Trước những khó khăn chung của cả nền kinh tế và khó khăn riêng trong việc triển khai các hoạt động XTTM truyền thống, Bộ Công Thương đã đã nhanh chóng và chủ động đổi mới hoạt động XTTM theo hướng triển khai các hình thức XTTM mới trên môi trường số để thay thế các hình thức XTTM truyền thống.
Bộ Công Thương đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, viber, zalo...) để tạo sự kết nối thường xuyên, nhanh chóng giữa hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM trong nước, DN cung ứng, xuất khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại, xuất khẩu; cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu từ các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp cho hiệp hội ngành hàng, địa phương, DN. Thông qua mạng lưới kết nối này, hàng trăm ngàn DN trên khắp cả nước được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu.
Cũng trong năm 2020, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, các cơ quan XTTM nước ngoài và tổ chức trên 500 hội nghị quốc tế trực tuyến với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến.
9. Thương mại điện tử chuyển mình, phát huy hiệu quả, tạo xung lực mới cho tăng trưởng
Năm 2020, trong khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành hoạt động chiến lược chủ chốt của nhiều DN trong bối cảnh đại dịch, giúp DN phát triển các kênh phân phối mới an toàn, hiệu quả.
Các nền tảng phục vụ cho TMĐT như Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay, Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn... được khai thác hiệu quả, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho TMĐT của Việt Nam phát triển
Đặc biệt, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ.
10. Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử không ngừng được đổi mới, hành động quyết liệt, thực chất và đi vào chiều sâu
Năm 2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Tính chung, đến nay, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 880/1.216 điều kiện (chiếm 70%).
Tất cả 295 thủ tục hành chính cấp T.Ư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của Bộ đang cung cấp 220 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (trong đó có 159 DVCTT mức độ 3, 61 DVCTT mức độ 4).
Đã có 36.000 DN đăng ký sử dụng Cổng Dịch vụ công của Bộ. Tổng số hồ sơ DVCTT trung bình đạt 1.000.000 hồ sơ/năm trong giai đoạn 2016-2020 và tăng dần theo các năm, riêng trong năm 2020 là 1.460.459 hồ sơ, tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.