10 sự kiện nổi bật của ngành công thương trong 2016

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vấn đề nổi bật trong năm qua của ngành công thương như kiện toàn công tác cán bộ, Sabeco và Habeco lên sàn hay danh sách dự án ô nhiễm môi trường ... đều được liệt kê.

1. Đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951- 14/5/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Công Thương Việt Nam
Trong 65 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngành Công Thương đã có bước phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có độ mở lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương với 150% tổng GDP, hàng triệu lao động có việc làm, công nghiệp phát triển ổn định, các lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế đều đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu từ mức tổng giá trị đạt hơn 3 tỷ USD lúc mới đổi mới (năm 1986), tới hiện tại đã tăng hơn 100 lần, đạt 327 tỷ USD (năm 2015), trong đó xuất khẩu đã vượt 80% GDP. Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, chủ yếu là dịch vụ phân phối hàng hóa tăng lên nhanh chóng, tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế, trong đó có 2,5 triệu cá nhân, hộ gia đình.
Ngoài ra còn có hơn 5.000 văn phòng đại diện và 50 chi nhánh của thương nhân nước ngoài, Tập đoàn nước ngoài tham gia kinh doanh siêu thị (Metro, Bourbon, Parkson...) tham gia dịch vụ phân phối (bán buôn, bán lẻ) và các hoạt động phụ trợ khác như nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại...
2. Thủy điện Lai Châu khánh thành sớm hơn một năm so với kế hoạch
Được khởi công ngày 5/11/2011, Dự án Thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc
Với việc hoàn thành công trình sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội (Tổ máy 3, tổ máy cuối cùng của Dự án thủy điện Lai Châu chính thức đi vào vận hành từ ngày 9/11/2016) đồng nghĩa với việc cung cấp sớm hơn cho hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh điện năng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung.
3. Đẩy mạnh việc kiện toàn công tác cán bộ và triển khai xây dựng cơ cấu tổ chức mới
Sáng ngày 14/11, phát biểu đánh giá tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Tổ công tác làm rõ 8 vấn đề, giải trình báo cáo lại Thủ tướng. Các vấn đề tập trung chính vào công tác cán bộ.
 Trường hợp của ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là ví dụ điển hình về các bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ ở Bộ này.
Theo đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công Thương chủ động tái cơ cấu bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế bởi thực tế bộ máy hiện nay có vấn đề.
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định thống nhất quan điểm tái cơ cấu đi đôi với chất lượng, kiện toàn bộ máy cán bộ, việc tái cơ cấu cán bộ sẽ được triển khai quyết liệt và đồng bộ.
4. Ra mắt cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ online.moit.gov.vn
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương đã được xây dựng để tích hợp toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3 và 4 của Bộ tại một cửa duy nhất.
Theo thống kê, thời điểm hiện tại, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tại địa chỉ: online.moit.gov.vn, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 68 thủ tục hành chính công, gồm 56 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 12 dịch vụ công trực tuyến mức 4, thuộc 17 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương
Sau khi được chính thức đưa vào hoạt động, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.moit.gov.vn sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại cơ quan này.
5. Nâng thử thành công Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05
Sau gần 3 năm khẩn trương thi công, ngày 12-8, Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã bàn giao Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 cho chủ đầu tư là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Đây là giàn khoan tự nâng thứ 2 do PV Shipyard thực hiện. Trước đó, Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đã được bàn giao cho Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro và đưa vào sử dụng thành công trong 4 năm qua.
 Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được nâng lên độ cao 140m
Giàn khoan Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Hoa Kỳ với tổng khối lượng là 18.000 tấn; có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9000m; chiều dài giàn là 167m; khả năng chất tải 2.995 tấn. Giàn được thiết kế có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão cực hạn trên cấp 12. Với khối thép khổng lổ nặng xấp xỉ 13.700 tấn cùng hàng tấn các thiết bị điện, điện tự động, kiến trúc nội thất, có thể nói Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 là giàn tự nâng lớn nhất từ trước tới nay và được đăng kiểm bởi đơn vị ABS (Hoa Kỳ).
6. Sabeco và Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán
Vào ngày 6/12 vừa qua, Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã chứng khoán SAB. Sabeco đã niêm yết hơn 641 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên mức giá tham chiếu là 110.000 đồng/cổ phiếu được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Trước đó, gần 232 triệu cổ phiếu BHN đã được Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) chính thức giao dịch trên UPCoM thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 28/10, với giá tham chiếu khởi điểm là 39.000 đồng một cổ phần.
7. Pháp lệnh Quản lý thị trường được ban hành
Tại Phiên họp 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra, với 100% Ủy viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT).
 
Đây được xem là văn bản pháp quy quan trọng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức… của lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
8. Năm 2016 ghi nhận nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành
Năm 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,19%; xuất khẩu tăng trưởng 8,6%, cán cân thương mại thặng dư 2,68 tỷ USD; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,4%.
9. FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực
Ngày 5/10, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU - gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) và Việt Nam chính thức có hiệu lực. FTA này được hai bên khởi động từ tháng 3/2013. Để có được kết quả cùng, Hiệp định đã phải trải qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều cuộc gặp gỡ giữa các kỳ họp, các nhóm công tác chuyên ngành.
 
Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ áp dụng 0% thuế hải quan cho các nhà cung cấp từ EAEU đối với 59% các hàng hóa. Sau giai đoạn chuyển tiếp, hầu như toàn bộ sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp xuất khẩu đến Việt Nam từ các nước EAEU sẽ được miễn thuế. Giai đoạn này sẽ không kéo dài quá 10 năm.
Như vậy, kết quả của việc khởi động cơ chế này là Việt Nam sẽ có được quyền tiếp cận có tính ưu đãi đối với một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng của năm nước (Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirgizia), với tổng GDP là gần 2,2 nghìn tỷ USD, bao gồm 183 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, nhóm “G5” Á-Âu có cơ hội hưởng ưu đãi xúc tiến các sản phẩm của mình vào Việt Nam, nơi có hơn 90 triệu người đang sinh sống.
10. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công thương
Vào ngày 20/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công thương. Kèm theo đó là danh sách những dự án, nhà máy được coi là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đáng chú ý, đối với các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu phải xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, yêu cầu đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường, cũng như hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty cần kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có, để giảm phát thải, cải thiện môi trường.
Đồng thời, phải kiện toàn bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường các cấp, rà soát quy chế quản lý môi trường hiện có hoặc xây dựng quy chế bảo vệ môi trường nội bộ. Lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định.
"Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, Chính phủ và nhân dân về việc tổ chức quán triệt chấp hành đầy đủ và nghiêm túc các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực và đơn vị của mình", chỉ thị nêu.