1. Một nhiệm kỳ mới của đất nước
Năm 2016 khởi đầu một nhiệm kỳ mới của đất nước với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII - dấu mốc để định hướng một chặng đường phát triển mới. Yêu cầu đổi mới đồng bộ, toàn diện trở nên rõ ràng. Đại hội nhấn mạnh những động lực giúp Việt Nam phát triển trong 30 năm qua như khai thác lao động giá rẻ, thâm dụng tài nguyên đã cạn dần dư địa.
Cùng với thành công của Đại hội, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được tổ chức, tạo tiền đề cho việc kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy Nhà nước. Lần đầu tiên sau 70 năm, các vị trí lãnh đạo chủ chốt được Quốc hội bầu ra tuyên thệ nhậm chức. Những lời cam kết trước Quốc hội, trước nhân dân không chỉ mang tính biểu tượng, đó sẽ là cơ sở quan trọng để người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước.
2. Ngăn chặn suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
Nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, kể cả những người đã nghỉ hưu. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cho thấy, Đảng đã nhìn thẳng vào những nguy cơ và dũng cảm trong xử lý cán bộ.
3. Đối ngoại nâng cao vị thế và uy tín của đất nước
Những hoạt động đối ngoại tấp nập ngay từ đầu nhiệm kỳ mới, từ đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, hay các chuyến công du của những lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Thông điệp có thể cảm nhận của đối ngoại 2016: Chuyển giao thế hệ lãnh đạo, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục con đường mở cửa, hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Những hoạt động đối ngoại vừa chú trọng thắt chặt quan hệ với bạn bè truyền thống, vừa đẩy mạnh hợp tác đa dạng đã góp phần nâng cao lòng tin, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
4. Chính phủ hành động
2016 đã trở thành một năm để lại rất nhiều dấu ấn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ trường hợp quán cà phê Xin chào, Thủ tướng trực tiếp đòi công lý cho doanh nghiệp cho tới những bước nhảy vọt về hoàn thiện thể chế.
Chính phủ hành động trên phương châm Chính phủ chỉ đóng vai trò Kiến tạo, Phục vụ và Liêm chính. Chính phủ sẽ không làm thay, làm tranh những gì mà tư nhân có thể làm. Kết thúc năm 2016, với rất nhiều thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn lập nên những kỷ lục: Dự trữ ngoại hối; số doanh nghiệp mới thành lập; Thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng khu vực dịch vụ đều đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
5. Formosa và thông điệp không đánh đổi môi trường
Sự cố môi trường biển nghiêm trọng nhất từ trước đến nay bắt đầu xuất hiện từ ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), rồi sau đó lan rộng ra 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
"Không đánh đổi môi trường lấy dự án", "không thu hút đầu tư bằng mọi giá" là những thông điệp đã được Chính phủ thể hiện rõ bằng sự vào cuộc quyết liệt, vạch trần sai phạm và buộc Formosa phải đền bù thiệt hại 500 triệu USD.
Ngày hôm nay, khi biển miền Trung đã được công bố an toàn, Formosa vẫn sẽ là bài học đắt giá về công tác quản lý môi trường các dự án kinh tế tại Việt Nam.
6. Biến đổi khí hậu và các hình thái thời tiết cực đoan
Rét đậm rét hại trên diện rộng ở miền núi phía Bắc, khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung. Năm 2016 đã chứng kiến đầy đủ những bất thường của thời tiết. Những hiện tượng thời tiết cực đoan dự báo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, biến đổi khí hậu sẽ có những tác động rõ ràng hơn. Việt Nam đang phải chuẩn bị rất nhiều kịch bản để ứng phó thành công với biến đổi khí hậu.
7. Đổi mới tư duy nông nghiệp
Khó khăn mới mở ra những tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp. Biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải nhìn lại vai trò của cây lúa trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam. Sự chật chội của mô hình sản xuất cũ cũng buộc chúng ta phải gỡ bỏ các nút thắt về cơ chế, mà trước hết là tư duy hạn điền.
Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII đã nhấn mạnh tới chủ trương "Hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp".
8. Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hơn 6.000 cán bộ, nhân viên y tế bị xử lý trong năm 2016, trong đó có những trường hợp bắt phải thôi việc.
Năm 2016, lần đầu tiên Bộ Y tế tiến hành đánh giá độc lập sự hài lòng của người bệnh đối với nhân viên y tế. Kết quả đạt được là số lượng cuộc gọi qua đường dây nóng của Bộ Y tế đã giảm một nửa so với năm 2015. Bộ Y tế đang cho thấy tinh thần của một Chính phủ phục vụ khi thực sự coi người dân là trung tâm trong mô hình quản lý của mình.
9. Việt Nam đtạ kỷ lục 10 triệu lượt du khách quốc tế
Lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016, đạt kỷ lục về lượng khách trong một năm. Cùng với Hội nghị toàn quốc được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng của ngành du lịch, kỷ lục 10 triệu khách quốc tế được hy vọng chỉ là bước khởi đầu cho sự khởi sắc của du lịch Việt.
10. Năm vàng của thể thao Việt Nam
Lần đầu tiên lá cờ Việt Nam đã được tung bay ở vị trí cao nhất trong một kỳ thế vận hội. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã đem về vinh quang cho đất nước tại Olympic Rio 2016. Thể thao Việt Nam năm nay còn có thêm 1 HCV của VĐV Lê Văn Công, đồng thời phá kỷ lục Paralympic ở môn cử tạ nam. Một năm vàng của thể thao Việt Nam còn trở nên lấp lánh hơn với chiến thắng của đội tuyển Futsal và U19 Việt Nam khi lần đầu tiên bóng đá Việt Nam được chơi trong đấu trường World Cup.
Biến rất nhiều điều không thể trở thành có thể, 2016 trở thành một năm vượt khó để thành công của thể thao Việt Nam.