10 thành tựu nổi bật của nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm qua

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông, nay là...

Kinhtedothi - Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông, nay là Bộ NN&PTNT. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành nông nghiệp Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ có quyết định chọn ngày 14/11 hàng năm là "Ngày Truyền thống ngành NN&PTNT Việt Nam" nhằm khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Những thành tựu của ngành nông nghiệp đạt được trong 70 năm qua là rất to lớn, làm thay đổi vị thế của người nông dân từ những người làm thuê, nghèo đói sang làm chủ, có ruộng đất, được áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa ngày càng hiệu quả hơn. Sản xuất nông nghiệp của nước ta từ một nền sản xuất lạc hậu, năng suất, hiệu quả thấp, tự cung tự cấp đã chuyển mạnh sang một nền sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và có nhiều những mặt hàng chiếm vị thế cao trên thị trường quốc tế. Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT đã công bố 10 thành tựu nổi bật của ngành trong giai đoạn 2010 - 2015.
Trồng cam Canh cho thu nhập cao tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ.
Trồng cam Canh cho thu nhập cao tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ.
1. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng. Với nhiều cách làm sáng tạo, nhiều nguồn lực đã được huy động để xây dựng nông thôn mới, nhờ đó diện mạo của nhiều vùng nông thôn nước ta đổi mới, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2015 có khoảng 1.500 xã và 9 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2014 là dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục của ngành NN&PTNT trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp; thị trường xuất khẩu nông sản khó khăn, sức mua giảm… Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với 10 loại nông sản xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm.

3. Hình ảnh những cán bộ Kiểm ngư anh dũng đấu tranh trên biển đã khích lệ lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Dù mới được thành lập (11/2012) nhưng Kiểm ngư đã khẳng định trọng trách lớn trong việc tham gia thực thi pháp luật trên biển, tích cực giúp đỡ và hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi.

4. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện trên cơ sở phát huy lợi thế của cả nước và mỗi địa phương gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu. Trong đó có 17 quy hoạch trên phạm vi cả nước và 7 quy hoạch khu vực, vùng, địa bàn cụ thể… góp phần quan trọng duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của toàn ngành.

5. Giữ ổn định 3,8 triệu hécta đất trồng lúa là chủ trương lớn trong nông nghiệp được Quốc hội thông qua nhằm đảm bảo an ninh lương thực cũng như sinh kế của nông dân. Nhờ đó, lợi thế về cây lúa tiếp tục được phát huy và có nhiều chính sách mới ra đời nhằm hỗ trợ và nâng cao đời sống người trồng lúa.

6. Thông tư Liên tịch số 14 về “kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính” trong ngành NN&PTNT đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc hệ thống, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành từ T.Ư đến địa phương được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính Nhà nước, cải cách công vụ của Chính phủ.

7. Với hơn 2,7 tỷ USD huy động nguồn vốn ODA trong nông nghiệp, nông thôn là mức kỷ lục trong 5 năm qua. Từ nguồn vốn này, nhiều công trình thủy lợi, giao thông nông thôn… được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, qua đó góp phần phát huy nội lực trong nước và tăng vị thế của ngành nông nghiệp trên trường quốc tế.

8. Nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành “làn sóng mới” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Với tiềm lực về vốn, kinh nghiệm thương trường, các DN lớn tập trung đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang tạo ra những sản phẩm chất lượng, được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, bước đầu cạnh tranh được với hàng hóa nhập ngoại và hướng tới xuất khẩu.

9. Một nhiệm kỳ Quốc hội thông qua nhiều bộ luật nhất về lĩnh vực nông nghiệp. Việc thông qua 3 Luật: Phòng chống chống thiên tai, Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Thú y đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các lĩnh vực này.

10. Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách có hiệu quả rõ rệt nhất đối với việc bảo vệ và phát triển rừng hiện nay. Khi chính sách đi vào cuộc sống đã nâng diện tích rừng được bảo vệ từ 2,8 - 3,37 triệu hécta. Đồng thời, tạo ra nguồn tài chính bền vững, góp phần ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nông nghiệp, nông thôn đã đi đầu trong đổi mới và giành được những thành tựu toàn diện. Bước sang giai đoạn mới, nhiệm vụ của ngành NN&PTNT hết sức nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, mạnh mẽ. Do đó, ngành NN&PTNT phải phấn đấu đạt và vượt mục tiêu để tăng trưởng bền vững, chất lượng, tiếp tục góp phần cải thiện nhanh điều kiện sống của dân cư nông thôn...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần