Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

113 tác giả nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ trao “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Đến dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cung các đại biểu, các tác giả được nhận Giải thưởng.
Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 vinh danh 18 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, có 95 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, công trình được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Nhà nước”.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật cho các tác giả, thân nhân tác giả có tác phẩm công trình được trao tặng đợt Năm. 
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền văn học, nghệ thuật cách mạng thời gian qua.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho vợ cố nhà văn Trần Hữu Mai.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc nhất của những tác giả tiêu biểu trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Các tác giả có tác phẩm, công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2017, bằng tài năng sáng tạo đặc biệt và sức lao động bền bỉ, đã sáng tạo nên các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình có giá trị đặc biệt về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà".

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: "Sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đang đứng trước tiền đồ hết sức vẻ vang, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, giao lưu văn hóa, sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm văn hóa đã, đang và sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống văn học, nghệ thuật. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm kích động “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng, văn học, nghệ thuật.

Bối cảnh tình hình đó đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về văn học, nghệ thuật, trọng tâm là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả và đại diện gia đình các tác giả.

Tập trung đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người, vừa mang tính định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Tích cực động viên, khích lệ các nhân tố mới tiến bộ lên án, phê phán cái xấu, cái ác đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, tiến bộ của bạn bè năm châu".

Đồng thời, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà phát huy tài năng, năng lực sáng tạo, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, trân trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật; tôn vinh các văn nghệ sĩ trên cơ sở cống hiến của họ đối với đất nước. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đối với các văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho đại diện gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh - PGS.TS Lưu Khánh Thơ.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Bộ đã nhận được 31 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 209 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước của 21 Hội đồng cấp cơ sở của 9 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp 9 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Kết quả có 25 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 133 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước.

Về số lượng hồ sơ và kết quả xét tặng tại Hội đồng cấp Nhà nước, có 25 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 133 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” do 09 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước theo từng chuyên ngành trình: Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Văn học và Văn nghệ dân gian.
Hội đồng cấp Nhà nước đã họp phiên toàn thể do Chủ tịch Hội đồng chủ trì để xét hồ sơ đề nghị tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và hồ sơ đề nghị tặng “Giải thưởng Nhà nước” theo đúng quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ và nguyên tắc làm việc của Hội đồng.

Có 18 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 95 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” đạt từ 90% số phiếu đồng ý trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.
Nhạc sĩ Trọng Bằng ngắm tấm bằng giải thưởng Hồ Chí Minh sau lễ trao giải.
Cụ thể, 10 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu gồm có: Nhạc sĩ Doãn Nho, GS. TS. NSND Lê Ngọc Cảnh (Lý Lại Ảnh), NSND Chu Thúy Quỳnh, TS Trần Đình Ngôn, tác giả Nguyễn Thế Khoán (Mịch Quang), GS. NSND Nguyễn Trọng Bằng, PGS Triệu Đạt Hiền (Chu Minh), tác giả Nguyễn Xuân Thiều; nhạc sĩ Hoàng Phi Hồng (Hoàng Hà, Cẩm Là); nhà văn Trần Hữu Mai.

8 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt sau gồm: Nhạc sĩ Thuận Yến, Nhà thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, NSND Trần Bảng, Nhiếp ảnh gia Lương Nghĩa Dũng.

67 tác giả được Giải thưởng Nhà nước đợt đầu trong đó có: GS. TS Trần Thế Bảo, NGND Hoàng Cương, NSND Lê Văn Thi, NSND Phạm Nhuệ Giang, NSND Trần Thế Dân, TS Ngô Phương Lan, NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Nguyễn Xuân Sơn, KTS Lê Thành Vinh, NSND Hà Bắc, Nguyễn Đăng Chương (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn)…

28 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt sau trong đó có: Nhạc sĩ Cao Việt Bách, Nhạc sĩ Thế Song, nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh, nhà văn Hoàng Hải, tác giả Vũ Quốc Ái (Lê Lam), tác giả Cổ Tấn Long Châu, tác giả Nguyễn Hữu Cấy, tác giả Bửu Chỉ, tác giả Nguyễn Bích…