Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2018) và 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2018).
Phát biểu khai mạc triển lãm, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội Đặng Đình An khẳng định, 115 bức ảnh triển lãm của các nghệ sĩ lão thành có giá trị tư liệu lịch sử và nghệ thuật nhiếp ảnh vô cùng quí giá về các thời kỳ của đất nước. Hôm nay xem lại, chúng ta không khỏi xúc động và trân trọng về những hình ảnh mà các NSNA đã ghi lại. Đất nước, con người Việt Nam hiện lên dưới ống kính của các nghệ sĩ vô cùng đẹp đẽ và anh dũng.
"Chúng tôi dự kiến sẽ triển lãm đợt 2 cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành tiếp theo trong những năm tới. Triển lãm lần này có một vài nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) do không chuẩn bị kịp, vì tìm chọn ảnh từ phim chụp ngày xưa trong tư liệu không đơn giản, phần do sức khỏe không tham gia được nên cũng rất đáng tiếc, hy vọng đợt 2 các nghệ sĩ lão thành có nhiều thời gian chuẩn bị hơn", NSNA Đặng Đình An thông tin thêm.
Trong triển lãm có nhiều tác phẩm rất đáng chú ý, như: Bức ảnh Bác Hồ về thăm quê của NSNA Trịnh Hải chụp năm 1961, đã được đăng tải và triển lãm ở nhiều nơi trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng bức ảnh ấy vẫn sống mãi và thu hút người xem, bởi hình ảnh Bác Hồ thân thương và giản dị trong chuyến thăm quê.
NSNA Vũ Quang Huy cũng gây dấu ấn với chùm ảnh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. NSNA Hoàng Kim Đáng đã sử dụng phương pháp ảnh đồ họa về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tuân rất thành công khi đặc tả những con người vĩ đại.
NSNA Mậu Hoàng Thiết năm nay đang tới tuổi 90, là người đoạt giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh “Hậu phương thời chiến”, gửi tới triển lãm những bức ảnh khác gây xúc động về một thời kỳ đạn bom, như “Lính cứu hỏa xung kích cứu nhà dân ở phố Huế”, hay “Tiễn các con của bọ ra chiến trường”.
NSNA Nguyễn Nhưng năm nay đã 103 tuổi. Ảnh của ông là những khắc họa về một thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc: Với hình ảnh cầu phao bắc qua sông Đà, hay chân dung nữ công nhân. Những hình ảnh về cổng Đền Ngọc Sơn, Đường nét quê, hay Xuân về là những ký ức đẹp về Hà Nội của ông.
Nghệ sĩ Lê Vượng nay đã ở tuổi 101, cho chúng ta thấy ông đã chiếm lĩnh hàng đầu về phong cảnh và con người Hà Nội giữa thế kỷ 20. Hà Nội cổ kính với những mái ngói “thâm nâu”, với trưa hè tĩnh lặng, hay sông Hồng trong sương sớm. Với “Trên đường hành quân” NSNA Thái Ngọc Linh cho người xem thấy thời kỳ hành quân trùng trùng, lớp lớp ra trận của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Bức ảnh như bài ca “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. NSNA Phạm Tuệ với tác phẩm “Bóng chiều” đã cho người xem thấy tài sử dụng ánh sáng ngược để mô tả về cảnh quê, người già vô cùng rực rỡ.
Cùng với đó, các ông Trần Chính, Minh Đạo, Nguyễn Quí Kha, Hồng Trọng Mậu, Hữu Nền, Phạm Văn Lâm, Văn Phúc, Trọng Pháo, Đan Quế, Nguyễn Ngọc Văn, Trần Sơn, Phạm Thành, Vũ Tụng và Mạnh Thường - những NSNA có ảnh tham gia triển lãm này, chính là những người lính xung kích, là nhân chứng thời đại. Những bức ảnh của họ mang tính sử thi hùng tráng, đi cùng năm tháng và sống mãi với thời gian.
Triển lãm diễn ra tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến hết ngày 16/12.