Alitalia từng là một trong những hãng bay lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, nhiều năm nay, họ đã gặp khó do sự cạnh tranh từ các đối thủ giá rẻ, như Ryanair hay easyJet. Các hãng này đã vượt Alitalia về số hành khách và cả lợi nhuận.
Đây đã là lần thứ 2 Alitalia nộp đơn xin phá sản trong 10 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Năm 2008, Alitalia đã được giải cứu một lần nhờ sáp nhập với đối thủ Air One. Thương vụ được chỉ đạo bởi Chính phủ và được nhiều nhà băng hàng đầu Italy cấp vốn. Tuy nhiên, kể từ đó, hãng bay đã lỗ gần 3 tỷ euro.
Trong một thập kỷ qua, tổng cộng, Alitalia đã nhận hơn 7 tỷ euro từ Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không được tiếp tục hỗ trợ, họ có thể vĩnh viễn không hoạt động được nữa.
Tuần trước, các công nhân hãng hàng không này đã bỏ phiếu bác kế hoạch cắt giảm việc làm và lương, nhằm giúp hãng bay tìm nguồn vốn mới. Alitalia cho biết, các cổ đông Italy và Etihad - hãng bay của Abu Dhabi hiện sở hữu 49% Alitalia đã cam kết “tái cấp vốn và hỗ trợ 2 tỷ euro”. Tuy nhiên, nếu không được các nhân viên ủng hộ, kế hoạch này không thể thực hiện.
Hôm 2/5, Chính phủ Italy đã chấp thuận cho Alitalia rơi vào tình trạng được tiếp quản bởi một thực thể do tòa án, chủ nợ chỉ định (administration). Họ cũng thông qua một khoản vay bắc cầu trị giá 600 triệu euro để giúp Alitalia tiếp tục hoạt động trong thời kỳ này, người phát ngôn của Alitalia cho biết.
Chính phủ Italy đang kêu gọi Alitalia nhanh chóng tìm người mua tiềm năng. Họ cũng muốn giảm thiểu số ngân sách chi cho hãng bay này.
Người dân Italy cũng không mấy mặn mà với việc giải cứu Alitalia. Một cuộc thăm dò cuối tuần trước cho thấy 77% người được hỏi cho rằng hãng bay nên bị bỏ mặc cho sụp đổ. Tuy nhiên khi đó, 12.500 nhân viên hãng này sẽ mất việc.
Alitalia cho biết lịch bay sẽ vẫn được thực hiện như kế hoạch. Trong khi đó, giới chức vẫn đang xem xét liệu công ty này có thể đảo ngược tình hình hay không.