Trong đó, bày tỏ quan tâm đến các tổ chức phi chính phủ, các Hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng: Trước mắt, Dự Luật này chỉ nên tập trung quy định về việc thành lập Hội của tổ chức, cá nhân trong nước. Việc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, người nước ngoài lập Hội nên để lại sau, nghiên cứu thêm rồi xây dựng pháp lệnh. Đây là vấn đề phức tạp, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị mà chúng ta chưa lường hết được. Một số ý kiến khác góp ý về cách thức phân loại Hội để từ đó có chính sách phù hợp tương ứng như phân thành hai loại. Loại 1 là hội có tư cách pháp nhân, chia thành 2 nhóm nhỏ hơn là tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức phi chính phủ. Loại thứ 2 là hội không có tư cách pháp nhân, không cần phải đăng ký. Với loại thứ 2, người tham gia phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.
Đặc biệt, vấn đề tài chính Hội vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại về nguồn ngân sách phải gồng gánh quá nặng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Dự Luật trình Quốc hội Khóa XIII đã quy định rõ “Đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động”. Về vấn đề này, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định này. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (năm 2015), có như vậy mới bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin cho. Đưa ra con số thống kê việc ngân sách Nhà nước hiện phải chi khoảng 14.000 tỷ đồng cho hoạt động của các tổ chức Đoàn thể, Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và phát triển TS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng, mặc dù “tiêu xài” ngân sách lớn nhưng các đối tượng này đang hoạt động một cách “hành chính hóa” và kém hiệu quả. Nên có chủ trương giảm “bao cấp”, dần chấm dứt việc trợ cấp ngân sách Nhà nước và để các tổ chức đặc thù này tự lo về tài chính. Nhiều ĐB cũng đề nghị trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay không thể bao cấp mãi cho các hội được, Dự Luật phải quy định các tổ chức Hội phải tự chủ tài chính của mình, Nhà nước chỉ hỗ trợ khi các Hội tham gia thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao. Do đó, Luật Về hội phải tạo hành lang pháp lý, cơ chế để họ tự chi trả kinh phí, như trao Hội quyền tự gây quỹ; nguồn viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài; hỗ trợ của các DN Việt Nam,… để họ không phải bám vào nguồn “sữa mẹ” là ngân sách Nhà nước.
Toàn cảnh Hội nghị. |