Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

14 Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng về chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm”

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc 14 Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam đưa ra đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản
Đề xuất của 14 Hiệp hội doanh nghiệp được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 
 Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều DN có nguy cơ phá sản. Do đó, 14 Hiệp hội DN đã đề xuất chiến lược ''Phòng chống dịch theo điểm'' để phục hồi kinh tế.. Ảnh: DN tại KCN Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.  
14 Hiệp hội nhận định đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Nam kéo dài đã khiến các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể kéo dài. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP Hồ Chí Minh tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%, khoảng 18% DN châu Âu (EU) đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm.
Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ. Cộng đồng DN rất hoan nghênh Thủ tướng Chính Phủ, tại cuộc họp ngày 29/8/2021, đã xác định quan điểm “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tức là chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” hiện nay sang mục tiêu “Sống chung với Covid”. Quan điểm này phù hợp với quan điểm của WHO nêu ngày 7/9/2021, và quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới. Để thực hiện được yêu cầu cấp bách lúc này, 14 Hiệp hội doanh nghiệp sau khi trao đổi nhiều lần với các DN thành viên và chuyên gia, xin mạnh dạn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới, thống nhất quản lý trên toàn quốc để vừa từng bước phục hồi kinh tế, mà vẫn kiềm chế được dịch.
Mong có Chỉ thị mới về phòng chống dịch
Các Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng Chỉ thị số 15 và số 16 về phòng chống dịch Covid-19 được ban hành từ cuối tháng 3/2020 với  mục tiêu “Zero Covid”, khi chưa có biến chủng Delta, chưa có vaccine, cách tiếp cận và góc nhìn khác với thực tế hiện nay. Do đó các Hiệp hội kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị phòng chống dịch (PCD) phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị 15 và 16 vì dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “Sống chung với Covid-19”. Chỉ thị mới cần quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện PCD - phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Người dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội, trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm (XN) âm tính. Bởi các cá nhân đều có quyền và mong muốn mưu cầu sinh kế, di chuyển. Vì vậy không nên phân biệt người đã tiêm và chưa tiêm vaccine, mà nên phân biệt theo kết quả XN. XN âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm 1 mũi, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.
Tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia, và chịu trách nhiệm đối với khai báo của mình. Cần thống nhất sử dụng một phần mềm quản lý, khai báo PCD trên toàn quốc.
Trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành PCD cho các tổ chức/DN. Không cực đoan đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.
Chính phủ lập Tổ đặc biệt để kiểm tra, giám sát lưu thông, chống ách tắc hàng hoá bằng đường dây nóng. Các địa phương chỉ được phép kiểm tra PCD đối với người trên các phương tiện vận chuyển tại điểm đi và điểm đến. Xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp (KCN). Khuyến khích các DN nằm ngoài KCN xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để PCD cho CBCNV của mình và gia đình CBCNV của DN.
Cho phép người lao động (NLĐ) đang mắc kẹt ở các khu nhà trọ được về quê hoặc quay trở lại làm việc trước khi XN. XN miễn phí, hỗ trợ tiền đi đường để họ có thể về quê hoặc đi làm khi có XN âm tính. Vì ăn uống thất thường, sức đề kháng suy giảm, cộng với chỗ ở chật hẹp, đông người, lây nhiễm sẽ không dứt. Nếu tình trạng này kéo dài thì TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận khó có thể trở lại bình thường mới, việc XN cho các lao động này về quê cũng là dịp để bóc tách F0, tránh lây nhiễm. Xã, phường, thị trấn nơi NLĐ đến, có trách nhiệm hướng dẫn cách ly, XN lại trong 14 ngày. Chính phủ quán triệt các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ, vận chuyển, sau tuyến đầu chống dịch, người già và người có bệnh nền.
Quản lý và PCD Covid-19 theo “Điểm”
Hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất không áp dụng phong toả, cách ly theo vùng địa lý, quản lý, PCD theo “Điểm”. Tập trung quản lý dịch bệnh bằng việc XN định kỳ và xem xác xuất tại các “Điểm”. Vì người tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh trong khi số lượng người chưa tiêm còn rất lớn. Nếu quản chặt “Điểm đỏ”, việc tập trung XN sẽ tránh lây lan.
Điểm ở đây có thể hiểu: Điểm dân cư (Căn nhà, căn hộ hoặc khu dân cư nhỏ nhất theo quy định của Bộ Y tế khi sửa đổi thay thế quyết định 2686/QĐ-BCĐQG); Điểm dịch vụ (Cơ quan, văn phòng, chợ, siêu thị, hộ và cá nhân kinh doanh dịch vụ); Điểm sản xuất (Hộ gia đình, HTX, DN dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng. Các điểm có F0 sẽ là “Điểm đỏ”.
Ngoài quản lý dịch bệnh theo “Điểm”, Hiệp hội cũng đề xuất PCD tại “Điểm sản xuất”. “Điểm sản xuất” tự chủ lập phương án PCD, thực hiện 5K. XN xác suất 10% lao động với tần suất 7 ngày/lần. Bộ Y tế cần ban hành công điện hướng dẫn rõ ràng cho DN toàn quốc về quy tắc test Covid trong nhà máy/DN (Tỷ lệ công nhân phải test, thời gian test - cho các trường hợp chưa tiêm vaccine, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi). Phun khử khuẩn hàng ngày, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối, xông tinh dầu. Khi có F0, khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày đồng thời thông báo y tế địa phương.
Đối với công tác PCD tại “Điểm dân cư”, có hộ F0 thì chỉ cách ly căn hộ đó. Căn hộ khác trong toà nhà nếu XN âm tính thì không phải cách ly. Cách ly cả tầng nếu có hai căn hộ trở lên có F0 trong cùng một tầng. Các ly cả toà nhà nếu có F0 từ 5 tầng khác nhau trở lên. Còn nếu trong “Điểm dân cư”, có nhà F0 thì chỉ cách ly căn nhà có F0, chỉ cách ly cả ngõ, phố nếu có trên 5 nhà cũng có F0.
Hiệp hội cũng đưa ra đề xuất PCD đối với giao thông vận tải. Chính phủ chỉ đạo các địa phương bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến.
Đề xuất cho bệnh viện tư được thu phí XN và điều trị 
Về XN y tế, 14 Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất cho các tổ chức y tế được phép bán kít XN theo giá cạnh tranh (Kéo giá XN xuống để giảm chi phí cho dân và DN). Kiểm soát giá kít XN như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá. Các tổ chức, cá nhân tại các “Điểm” tự lấy mẫu, tự XN hoặc thuê tổ chức y tế XN. Còn tổ chức y tế, bệnh viện, y tế lưu động của địa phương hoặc của DN sẽ XN đối với “Điểm sản xuất”.
Đối với phí XN và điều trị, Hiệp hội đề xuất ngân sách Nhà nước chi trả các chi phí cho các cá nhân chưa có bảo hiểm y tế (BHYT). BHYT chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm. Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí XN và điều trị. Chi phí XN và PCD của các tổ chức, DN được khấu trừ vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế theo dõi thống kê dữ liệu dịch bệnh, độ tuổi, nhóm máu, tỷ lệ nhiễm bệnh khi đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine, thời gian vaccine hết tác dụng, nguyên nhân tử vong để có cơ sở khoa học trong PCD. Tổng kết việc thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc đã đưa vào điều trị. Cho thử nghiệm và đánh giá việc phòng bệnh và điều trị F0 bằng các dược liệu phổ biến và rẻ tiền tại Việt Nam như xuyên tâm liên…, theo kinh nghiệm của Mỹ, Madagasca, Trung Quốc. Thử nghiệm xông tinh dầu và khò mũi họng bằng nước muối sinh lý để phòng chống Covid, khuyến khích thực hành cách làm ít tốn chi phí này.
Cần hỗ trợ phục hồi kinh tế
14 Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành liên quan và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, BHXH, kinh phí công đoàn, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, miễn giảm.
Hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, KCN lập các cơ sở lưu trú, các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai PCD. Hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh, DN vừa và nhỏ: Cho phép cộng lãi xuất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng. Gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.
Các tổ dân phố cần tuyên truyền trực tiếp đến người dân ở các khu lao động nghèo, các xóm trọ công nhân về chiến lược “Sống chung với dịch bệnh”. Đề nghị Bộ Y tế xem xét đưa việc “Khò mũi họng bằng nước muối” thành tuyên truyền chống dịch 6K. Không nêu những hình ảnh qúa bi đát làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, gây khó khăn cho DN trong mắt các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài.
14 Hiệp hội doanh nghiệp đưa ra đề xuất chiến lược nêu trên, gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; và các Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.