Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã nhấn mạnh như trên khi chia sẻ với phóng viên Kinh tế và Đô thị nhân dịp kỷ niệm 15 năm Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đi vào cuộc sống.
Cụ thể hoá chính sách đưa “tam nông” vượt khó
Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và một phần huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) hợp nhất về với Thủ đô. Ông đánh giá thế nào về xuất phát điểm của nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân ngày đó?
- Sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội, dân số khu vực nông thôn của Hà Nội khoảng 4 triệu người, chiếm 55,6% dân số toàn TP. Lao động khu vực nông thôn chiếm trên 60% lực lượng lao động toàn TP, trong đó lao động nông nghiệp là hơn 1 triệu người.
Tại thời điểm điểm mở rộng địa giới hành chính, ngành NN&PTNT Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Bốn địa phương khác nhau về đặc điểm văn hoá, xã hội, chính trị, quy mô đất đai, dân số và đặc biệt là trình độ phát triển.
Năm 2008, thời điểm mới hợp nhất, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản của TP (giá hiện hành) chỉ đạt trên 7.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế nội ngành chưa cân đối. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 8,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 12,5%...
Sản xuất nông nghiệp còn rất manh mún, mới chỉ bước đầu hình thành được một số ít các vùng chuyên canh theo hướng hàng hoá với diện tích rất khiêm tốn. Mối liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế còn lỏng lẻo. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn yếu; lĩnh vực chế biến, liên kết tiêu thụ nông sản chưa được chú ý.
Cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước, khu vui chơi, nhà văn hóa, hạ tầng phục vụ sản xuất ở khu vực nông thôn nhìn chung còn hạn chế, lạc hậu. Ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực miềm núi thậm chí còn có một số có nơi chưa có điện, chưa có nước sạch sinh hoạt. Hệ thống thủy lợi trong tình trạng xuống cấp mạnh, năng lực tiêu úng và chủ động phòng chống lũ của nhiều vùng còn hạn chế.
Có thể nói, thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, ngành NN&PTNT Hà Nội đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, bởi cả các yếu tố chủ quan lẫn khách quan như vậy.
Trước xuất phát điểm nhiều khó khăn nêu trên, Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người nông dân, thưa ông?
- Sau hợp nhất, với không gian rộng lớn hơn, nông nghiệp nông thôn Hà Nội có nhiều thời cơ, vận hội phát triển nhưng khó khăn, thách thức cũng đan xen. Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, đồng thời xác định vai trò, vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra, tạo động lực phát triển cho nông nghiệp, nông thôn xứng với tầm vóc mới, trong 15 năm qua Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong 3 kỳ Đại hội của Đảng bộ TP Hà Nội, Thành uỷ đều có Chương trình riêng về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ở nhiệm kỳ 2011 - 2015 và 2016 - 2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 2 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa đều lấy tên là Chương trình số 02-CTr/TU với nội dung trọng tâm về “phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.
Giai đoạn 2021 - 2025, Thành ủy tiếp tục ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, HĐND - UBND TP đã kịp thời ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân. Cụ thể, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 6 Nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn TP Hà Nội. UBND TP phê duyệt 8 Quy hoạch tổng thể và chuyên ngành trong lĩnh vực NN&PTNT đến năm 2020 và định hướng đến 2030; cùng với đó là hơn 20 Chương trình, Đề án, Dự án, Kế hoạch trong lĩnh vực NN&PTNT; 3 Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Qua các chương trình, đề án, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho khu vực nông thôn. Đến nay, tại khu vực các huyện ngoại thành từ đồng bằng tới miền núi, dễ dàng cảm nhận được đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt cả về vật chất và tinh thần; làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn và văn minh hơn trước rất nhiều.
Tạo động lực phát triển nông nghiệp toàn diện
Với việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, đến nay sau 15 năm hợp nhất, nông nghiệp - nông thôn - nông dân của Thủ đô đã đạt được những chuyển biến đậm nét gì, thưa ông?
- Thông qua các chủ trương, định hướng phát triển, cơ chế, chính sách và sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thành uỷ - HĐND - UBND TP, cùng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, sự phối kết hợp của các cấp, các ngành TP, sự quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và sự ủng hộ nhiệt tình, mạnh mẽ của nhân dân, trong suốt 15 năm qua, ngành NN&PTNT Hà Nội đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, xã hội của Thủ đô. Cụ thể:
Thứ nhất, về phát triển nông nghiệp: Từ chỗ giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng thì năm 2022 đã đạt hơn 40.000 tỷ đồng (cao hơn xấp xỉ 8 lần so với năm 2008). Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch TP giao (2,5-3%/năm).
Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản xuất nông nghiệp đã phát huy hiệu quả vai trò trong phát triển kinh tế, tạo công ăn, việc làm cho người lao động bị mất việc, đảm bảo an ninh lương thực (nhất là an ninh lương thực tại chỗ), ổn định đời sống người dân trong thời kỳ dịch bệnh. Sản xuất nông nghiệp trở thành bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Thứ hai, về xây dựng nông thôn mới: Đến nay, Hà Nội đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới với từng bước đi vững chắc, cụ thể và thiết thực, hướng đến xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ ba, về nâng cao đời sống nhân dân: Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện. Đa số hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Hiện nay, hầu hết thôn, làng khu vực ngoại thành đều có nhà văn hóa khang trang, là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.
Việc cưới, việc tang chuyển biến tích cực theo nếp sống văn minh, tỷ lệ hỏa táng ngày một cao. Nhiều địa phương phát động phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với nhiều tuyến đường cây, đường hoa, bích họa... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2008 đạt 8,2 triệu đồng/người/năm, nhưng đến năm 2022 đã đạt 56,3 triệu đồng/người/năm (tăng xấp xỉ 7 lần). Trong đó có một số huyện thu nhập cao như: Thạch Thất 91 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng đạt 73 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 72 triệu đồng/người/năm… Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn từ 12,5% giảm xuống chỉ còn 0,17% (tức là cơ bản không còn hộ nghèo).
Kết quả đạt được của ngành NN&PTNT Thủ đô trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân Thủ đô nói riêng, góp phần vào sự phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Ngành NN&PTNT Hà Nội hướng đến mục tiêu phát triển một cách toàn diện, xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Để đạt được mục tiêu trên, ông có kiến nghị, đề xuất gì với Trung ương và TP Hà Nội?
- Quãng đường phấn đấu và phát triển 15 năm qua tuy ngắn nhưng thật sự đã ghi nhận những cố gắng vượt bậc của ngành NN&PTNT với những thành tựu nội bật. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tiến tới phát triển một cách toàn diện, ngành NN&PTNT Hà Nội xác định cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc vai trò, ý nghĩa, yêu cầu phát triển nông nghiệp của Thủ đô theo hướng bền vững, chất lượng và hiệu quả cao, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo tới đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức, viên chức của ngành.
Thứ nữa, hiện nay TP đang xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Sở NN&PTNT đề xuất tích hợp phương án quy hoạch không gian phát triển nông nghiệp vào định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ bám sát công tác xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và dự thảo Luật Thủ đô, theo hướng phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền Thủ đô.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và TP đã ban hành; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để báo cáo UBND TP chỉ đạo giải pháp khắc phục.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiện nay; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cho người dân được giao đất, thuê đất; ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư mạnh mẽ để tạo động lực phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, đột phá, đi đầu cả nước trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
“Đối với những vấn đề hiện nay thuộc thẩm quyền của Trung ương có thể phân cấp cho chính quyền Hà Nội, chúng tôi đề xuất phân cấp triệt để nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội được chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp phát triển nông nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và thực tiễn của TP. Đồng thời, cho phép Hà Nội được ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn cao hơn và ngoài các chính sách Trung ương đã ban hành…”
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại