15 năm mở rộng địa giới hành chính: Ứng Hoà trở thành miền quê đáng sống

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 15 năm qua, từ vùng quê thuần nông, Ứng Hòa từng bước đổi thay rõ nét về cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Bức tranh nông thôn khang trang, hiện đại đang hiện hữu nơi đây.

Kinh tế phát triển

Sau 15 năm (2005 – 2023) thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, bằng nhiều giải pháp, tình hình chính trị trên địa bàn huyện Ứng Hoà ổn định; kính tế tiếp tục tăng trưởng khá; văn hoá – xã hội có chuyển biến tiến bộ; an ninh quốc phòng được củng cố; bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng cải thiện.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Nguyễn Tiến Thiết thông tin: Kinh tế của huyện trên đà tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,22%; Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người/năm; tăng 55,82 triệu gấp 5,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chỉ còn 0,003%.

Trên địa bàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 80 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vào đầu tư với trên 3.000 lao động có việc làm thường xuyên thu nhập từ 8-15 triệu/người/tháng; 21/21 làng nghề hoạt động có hiệu quả, trong đó nổi bật như làng nghề: sản xuất tăm hương thôn Xà Cầu, Đạo Tú… xã Quảng Phú Cầu; may áo dài thôn Trạch Xá xã Hòa Lâm; giày da thôn Thần xã Minh Đức… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

Du khách tham quan Triển lãm OCOP làng nghề 2023 huyện Ứng Hoà. Ảnh: Minh An.
Du khách tham quan Triển lãm OCOP làng nghề 2023 huyện Ứng Hoà. Ảnh: Minh An.

Là huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền huyện luôn nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sau dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hoá, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất, từ đó đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như vùng chuyên canh tập trung, với trên 8.000ha lúa, trong đó có trên 60% lúa chất lượng cao, trên 2 triệu gia cầm, trên 4.000ha thủy sản lớn nhất thành phố và hàng trăm ha rau củ quả các loại; Giá trị hàng năm các loại tăng bình quân từ 3 đến 5%.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho hay: Nông nghiệp của huyện trước khi mở rộng địa giới hành chính là chủ lực thì nay chỉ còn 32,7%, công nghiệp 29,7%, thương mại dịch vụ 37,6%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp giảm nhưng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác lại tăng.

Là vựa lúa của Thủ đô, Ứng Hòa vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu về việc đưa giống lúa J02 - giống lúa Nhật vào sản xuất đại trà, gọn vùng, gọn thửa. Sản xuất được áp dụng cơ giới hóa gắn với chuỗi giá trị nên nông dân làm nông nghiệp có thu nhập ổn định, lại có nhiều thời gian tham gia các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập.

Miền quê đáng sống

Trong 15 năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hạ tầng, huyện Ứng Hoà đã đổi khác rất nhiều. Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư với 388,8 km, đường làng ngõ xóm, khang trang.

Công nhân thi công, dẫn đường ống nước. Ảnh: Minh An.
Công nhân thi công, dẫn đường ống nước. Ảnh: Minh An.

Bà Đặng Thị Thu, người dân xã Đại Cường chia sẻ: Trước đây, giao thông qua địa phương đều là đường khó đi; đường trục chính qua xã thì nhỏ hẹp, gập ghềnh... Nhiều xóm ở xa trung tâm xã còn chịu cảnh đường đất lầy lội. Mỗi lần con cháu từ nội đô về thăm ông bà, bố mẹ phải đi hết vài tiếng đồng hồ. Nhưng sau 15 năm, nhiều tuyến đường được kết nối, nhất là mới đây, con đường Hoàng Quốc Việt nối tỉnh lộ 426 với đường trục phát triển phía Nam thủ đô Hà Nội chạy qua địa bàn xã được hoàn thành, đưa vào sử dụng khiến bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của địa phương được cải thiện đáng kể. "Người dân Đại Cường chúng tôi thực sự thấm thía "Đường tới đâu, kinh tế - xã hội, giao thương phát triển tới đó" bà Đặng Thị Thu chia sẻ.

Về các miền quê của Ứng Hòa hôm nay không khó để gặp những ao làng được kè đá, lắp ghế đá, trồng cây xanh, đèn chiếu sáng cùng những con đường hoa làm đẹp làng quê. Sáng sáng, chiều chiều, sau giờ lao động, những nông dân vui vẻ tham gia thể dục - thể thao ở nhà văn hóa hay các khuôn viên công cộng - nơi được lắp đặt đầy đủ dụng cụ thể thao ngoài trời.

Đến nay đã có 64 nhà văn hóa hoạt động với mô hình tự quản, đạt tỷ lệ 44,14%; giúp nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý của nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, gắn trách nhiệm của xã. Mỗi xã đã đảm bảo ít nhất có 1 điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Trên địa bàn huyện đã có 38 điểm vui chơi, giải trí có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Các hoạt động văn hóa-thông tin luôn được duy trì. Trung tâm văn hóa – Thể thao huyện đã được đầu tư xây dựng mới, có đầy đủ cơ sở vật chất như: Hội trường sân khấu biểu diễn, các phòng chức năng, phòng năng khiếu; Nhà thi đấu... các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng được tổ chức phục vụ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân các dịp lễ tết và các ngày kỷ niệm lớn trong năm và theo từng thời điểm.

Người dân Ứng Hoà luyện tập thể dục, thể thao. Ảnh: Ngọc Tú
Người dân Ứng Hoà luyện tập thể dục, thể thao. Ảnh: Ngọc Tú

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn thông tin: Trong 15 năm qua, kinh tế - xã hội, an sinh xã hội... trên địa bàn huyện phát triển vượt bậc. Đặc biệt, công tác giáo dục - đào tạo được tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, toàn huyện có 84/90 trường đạt chuẩn quốc gia.

Những thành quả của Ứng Hòa đang cho thấy hiệu quả rõ nét từ nguồn lực đầu tư của TP cùng sự nỗ lực không ngừng của chính quyền, Nhân dân trên địa bàn. Với những kết quả đó, ngày 9/12, huyện Ứng Hoà vinh dự đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và Huân chương Lao động hạng Nhì.