Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

16,5 triệu euro giúp Việt Nam hội nhập thương mại sâu hơn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 21/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban quản lý Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức giới thiệu và cung cấp thông tin về việc triển khai dự án đến các sở ngành, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.

Dự án EU-MUTRAP, có thời gian thực hiện từ 27/8/2012 đến 31/01/2018 với ngân sách 16,5 triệu euro.

Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của dự án, cho biết Dự án nhằm giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, khối ASEAN và tiểu vùng; tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với EU; tối đa hóa những thế mạnh phát triển kinh tế trong tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo.

 
16,5 triệu euro giúp Việt Nam hội nhập thương mại sâu hơn - Ảnh 1
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Dự án sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương thuận lợi hóa thương mại và đầu tư quốc tế bền vững thông qua cải thiện năng lực tham vấn, hoạch định chính sách, đàm phán, triển khai những cam kết liên quan; đặc biệt hướng đến khuôn khổ pháp lý về đầu tư với vấn đề môi trường, quyền sở hữu trí tuệ…

Theo bà Lê Thu Hà, điều phối viên của dự án, các khoản tài trợ trực tiếp của dự án thông qua thủ tục đấu thầu sẽ mở rộng thêm đối tượng hưởng lợi gồm doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… và ưu tiên về ngân sách khoảng 2,5 triệu euro.

Các hoạt động cụ thể được dự án hỗ trợ là nâng cao nhận thức, hiểu biết của hiệp hội doanh nghiệp về thương mại, đầu tư; năng lực tham vấn chính sách quốc gia; tăng cường cho viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng, rà soát chính sách; cho phép trường đại học tham gia nghiên cứu, tổ chức đào tạo trong khuôn khổ dự án. Tuy nhiên, những đề xuất hỗ trợ phải đáp ứng được mục tiêu, tính chất hợp lệ, khả năng xây dựng và thực hiện, tạo ra lợi ích cho nhiều đơn vị theo quy định của dự án.

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất các vấn đề cần được hỗ trợ từ dự án EU-MUTRAP. Trong đó, Trung tâm WTO có nhu cầu hỗ trợ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương thông qua đánh giá năng lực cạnh tranh cụm ngành.

Thành phố đang thực hiện với cụm ngành dệt may, nếu được trợ giúp sẽ tiếp tục triển khai sang một số ngành chủ lực khác (tài chính-ngân hàng, du lịch, điện-điện tử…); đồng thời, mong muốn thúc đẩy công tác hội nhập kinh tế quốc tế, nên thực hiện các lớp tập huấn chuyên sâu, tăng cường năng lực cho chuyên viên, doanh nghiệp là rất cần thiết.