16 Nghị quyết quan trọng vừa được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua là gì?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 16 Nghị quyết quan trọng được thông qua, có 2 Nghị quyết bổ sung mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ); mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1

Sáng 18/4, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2025) khai mạc kỳ họp thứ 9. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu lhai mạc kỳ họp thứ 9.
Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu lhai mạc kỳ họp thứ 9.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, đây là kỳ họp chuyên đề. Tại kỳ họp, các đại biểu sẽ nghe UBND TP báo cáo 16 tờ trình và nghe Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP báo cáo thẩm tra 16 tờ trình để thảo luận, thông qua.

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã báo cáo 16 tờ trình của UBND TP với HĐND TP. 16 tờ trình gồm: Đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1; đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13; dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án chống ngập Khu trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3); chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (6/9/1931) - Giai đoạn 1.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo 16 tờ trình HĐND TP.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo 16 tờ trình HĐND TP.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (giai đoạn 3); đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Chánh - Bình Tân; đầu tư dự án tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí Di tích lịch sử Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN cạnh Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến Sài Gòn (1955-1958); điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8); chủ trương đầu tư dự án cải tạo mở rộng đường Trương Quốc Dung (quận Phú Nhuận); đầu tư dự án xây dựng hạ tầng giao thông Khu cụm trường học đạt chuẩn quốc gia ở phường 6, quận Tân Bình.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương; mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn TP; mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với hoạt động đăng ký do cơ quan địa phương thực hiện) bằng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP.

Bổ sung thêm 19.449 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025

Về nguyên nhân điều chỉnh mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ (tờ trình 1252) vì các mức thu phí cũ chưa đảm bảo quy định mức chi, do đó phải điều chỉnh để đảm bảo công bằng. Tại tờ trình 1252, áp dụng đối với các trường hợp giao, cho thuê đất và đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP. 

Đối tượng là các cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng dịch vụ thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện giao, cho thuê đất và đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định pháp luật.

Đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 9 khóa X (nhiệm kỳ 2021-2025).
Đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 9 khóa X (nhiệm kỳ 2021-2025).

Đối với tờ trình 1254 về điều chỉnh mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm, theo ông Phan Văn Mãi, mức thu phí cũ chỉ đáp ứng được 10% chi phí cơ bản, chưa đảm bảo mức chi cơ bản, do đó cần điều chỉnh.

Cả 2 tờ trình về điều chỉnh mức thu phí nêu trên đều miễn thu phí đối tượng là trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP được căn cứ theo quy định tại quyết định 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Khi 2 tờ trình được HĐND TP thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2023.

Đối với tờ trình 1381 về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương, sẽ điều chỉnh, bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn cân đối ngân sách TP với tổng số vốn hơn 8.821 tỷ đồng. Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung tổng số vốn 8.563 tỷ đồng, đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (8.457 tỷ đồng); các dự án trình quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp (106 tỷ đồng). Dự phòng số vốn 257,7 tỷ đồng cho các dự án cấp bách của TP thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

Cũng tại tờ trình 1381, bổ sung thêm 19.449 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP giai đoạn 2021-2025 (ngoài mức vốn 142.557 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021) để bố trí cho 2 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh theo cơ chế được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được bố trí vốn

Sau khi nghe Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo 16 tờ trình và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP báo cáo thẩm tra, các đại biểu đã nhất trí thông qua 16 Nghị quyết.

Đại biểu thông qua 16 Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2025).
Đại biểu thông qua 16 Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2025).

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề nghị, UBND TP nhanh chóng triển khai thực hiện các Nghị quyết đã thông qua, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phù hợp với khả năng cấn đối bố trí vốn trung ương và địa phương. Cần tăng cường tuyên truyền đến người dân về các Nghị quyết vừa thông qua, trong đó có công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, mức thu phí đối với việc thẩm định đề cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Cần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được bố trí vốn, tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan nâng cao trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 08 về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm giải ngân vốn; tập trung đúng quy định để trình kỳ họp thường lệ vào tháng 7/2023; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả năm học 2022-2023; phối hợp các Ban HĐND TP rà soát các Nghị quyết của HĐND TP trên một số lĩnh vực nhằm đánh giá tính khả thi; các Ban HĐND TP tiếp tục nâng cao hơn nữa trong hoạt động giám sát, khảo sát; cần tăng cường giám sát triển khai các dự án đầu tư công, dự án trọng điểm, nhất là dự án đường Vành đai 3. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp tốt với HĐND TP thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội và kiến nghị những vấn đề cử tri quan tâm đối với HĐND TP” Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh kết luận.