Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, để thành công, chúng ta cần xây dựng những thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
“Chương trình không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của Chương trình” - lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ.
Đặc biệt, Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế trên thị trường.
Năm 2022 là năm thứ hai Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương và là năm đầu tiên triển khai Thông tư số 25/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương.
“Việc đổi mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn nghiêm ngặt của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, kết hợp cùng với những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng rằng Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong bối cảnh mới sẽ ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế” - ông Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Đại diện các doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giao hàng tiết kiệm Phạm Hồng Quân cho biết, doanh nghiệp rất vinh dự khi có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong kỳ xét chọn thứ 8 năm 2022. Thành quả này là niềm tự hào của tập thể hơn 30.000 nhân viên của Giao hàng tiết kiệm đang nỗ lực mỗi ngày để xây dựng một thương hiệu Việt Nam, tuân thủ các tiêu chí “Chất lượng - Đổi mới Sáng Tạo - Năng lực tiên phong”.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Hoàng Minh Chiến thông tin, hầu hết doanh nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Những đóng góp của các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia vào nền kinh tế Việt Nam là vô cùng to lớn.
Theo Brand Finance (Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Vương quốc Anh), Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019 - 2022. Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
“Để thực hiện quy trình xét chọn, Ban Thư ký đã mời tổng số 39 chuyên gia trong danh sách Ban chuyên gia của Chương trình tham gia chấm hồ sơ (2 chuyên gia chấm 1 hồ sơ)” - ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ.
Ban thư ký cũng đã mời các đơn vị chuyên ngành có uy tín đánh giá các chỉ tiêu liên quan với mỗi hồ sơ, như: Công ty CP Mibrand, Công ty KPMG, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam... Bên cạnh đó, Ban thư ký đã gửi công văn xin ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành về chấp hành pháp luật chuyên ngành,
Dự kiến, lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức vào 19 giờ 30 ngày 2/11/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.