Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2 cơn bão nối đuôi nhau trên biển, sóng dâng cao đánh sập 11 căn nhà tại Bình Thuận

Đức Thọ (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ghi nhận, sáng sớm nay (21/12) bão Tembin đã hình thành trên vùng biển ngoài khơi phía Đông miền Nam Phi-líp-pin. Đây là cơn bão có hướng di chuyển nhanh về hướng Tây và diễn biến phức tạp.

Vị trí 2 cơn bão.
Xuất hiện bão Tembin
Theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, ngày và đêm nay (21/12) ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm diện rộng, vùng núi rét hại; gió đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5, vùng ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ có gió giật mạnh cấp 6 - 8.

Do nằm sâu trong khối không khí lạnh và khô, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ ít mây, đêm không mưa, ngày nắng, độ ẩm trong không khí rất thấp (25 - 40%). Nhiệt độ thấp nhất về sáng và đêm vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 9 - 12 độ C, các tỉnh vùng núi và trung du từ 6 - 9 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C. Vùng núi và vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Khu vực Hà Nội nhiệt độ thấp nhất từ 9 - 12 độ C.

Trong khi đó, vào hồi hồi 4h ngày 21/12, vị trí tâm bão số 15 (bão Kai-tak) ở vào khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 120km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 4 giờ ngày 22/12, vị trí tâm bão cách Côn Đảo khoảng 340km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, sáng sớm nay một áp thấp nhiệt đới khác ở vùng biển ngoài khơi phía Đông miền Nam Phi-líp-pin đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Tembin. Bão Tembin có xu hướng di chuyển nhanh về hướng Tây với tốc độ 20 - 25km/h và có diễn biến phức tạp.
Sóng biển đánh sập 11 căn nhà tại Bình Thuận

Theo ghi nhận, những ngày qua do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, vùng biển Bình Thuận, Khánh Hòa xuất hiện những con sóng lớn. Đặc biệt, rạng sáng 20/12, những đợt sóng to đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển và đánh sập hoàn toàn 11 căn nhà tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Ảnh: Báo Bình Thuận.
Ảnh: Báo Bình Thuận.
Tại khu vực này, sóng biển liên tục đập mạnh vào bờ và cuốn trôi, đất, cát và nhà cửa của người dân. Ngoài các ngôi nhà bị đánh sập hoàn toàn, 49 căn nhà trong khu vực này đang bị sóng biển đe dọa, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Hiện lực lượng quân đội đang cùng người dân đang ra sức dùng bao cát, cọc gỗ bờ kè tạm để ngăn sức nước, bảo vệ phần đất và nhà cho người dân.

Theo người dân ở đây, mỗi năm vào mùa gió bấc (từ tháng 10 đến tháng 2 Âm lịch), gió mạnh kết hợp sóng lớn, triều cường dâng cao cuốn trôi hàng trăm mét đất ra biển, gây sạt lở nghiêm trọng. Thời điểm sóng lớn và mạnh nhất thường là từ 6h chiều cho đến 2h sáng hôm sau. Những bao cát, kè gia cố được đắp tạm thời chỉ sau một đêm thì sóng lại cuốn tất cả ra biển.

Ở Khánh Hòa, liên tiếp 2 ngày qua (19 - 20/12), biển du lịch Nha Trang sóng giật mạnh từng đợt với độ cao từ 2 - 4m khiến du khách chỉ biết đứng ngắm biển, chụp hình cho vui, chứ không dám tắm biển.

Với nhiều người dân Nha Trang, sóng biển mạnh như vậy là rất hiếm khi xảy ra. Sóng vỗ mạnh đến mức bay tung tóe lên mặt đường, tỏa bọt trắng xóa cả một vùng bờ biển. Trong các khu dân cư, không khí lạnh bao trùm, nhiều luồng gió lớn bất chợt đã thổi bay nhiều vật dụng, đồ đạc của người dân.
Bác bỏ thông tin Đà Lạt có tuyết rơi

Tối 19/12 trên trang facebook cá nhân mang tên H.H. có đăng tải 2 đoạn clip và một số hình ảnh kèm theo lời dẫn: "Đà Lạt lần đầu tuyết rơi trắng trời, đi làm không kịp chuẩn bị đồ ấm h (giờ) lạnh cóng người". Trong bối cảnh toàn miền Bắc đón đợt không khí lạnh rét nhất từ đầu mùa Đông và sáng cùng ngày (19/12) xuất hiện băng tuyết trên đỉnh Fanxipan cộng với nhiệt độ tại Đà Lạt đang giảm khá sâu khiến nhiều người tưởng thật.

Sau đó, hàng loạt trang mạng facebook chuyên về du lịch đã chia sẻ, kèm theo đó là những lời dẫn tương tự khiến nhiều người nhầm tưởng Đà Lạt có tuyết rơi. Nhiều người từ các địa phương khác sau khi tiếp nhận thông tin sai sự thật đã lên hẳn kế hoạch đi Đà Lạt để ngắm tuyết rơi.
Thông tin sai sự thật về tuyết rơi ở Đà Lạt.
Trao đổi với báo chí chiều 20/12, bà Trần Thị Mai Phương - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng cho biết, tin đồn Đà Lạt có tuyết rơi là hoàn toàn sai sự thật, tuyết rơi xuất hiện trong những hình ảnh và clip trên mạng xã hội là tuyết nhân tạo từ một đơn vị đang tổ chức sự kiện trên địa bàn TP Đà Lạt.

"Tối 19/12, một đơn vị ở Đà Lạt tổ chức tổng duyệt chương trình và có phun tuyết nhân tạo trong bối cảnh Đà Lạt lạnh chưa từng thấy. Nhiệt độ ở thời điểm đó chỉ 8 độ C nên một số người chụp ảnh, quay phim rồi đăng lên mạng nói Đà Lạt đang có tuyết rơi", bà Mai Phương nói.

Sau sự việc gây xôn xao dư luận, lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông đã chỉ đạo thanh tra kiểm tra các địa chỉ trang mạng đăng tải, yêu cầu gỡ bỏ thông tin vì không chính xác.

Bà Phương cho biết thêm: "Sự việc cũng chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên chúng tôi nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ thông tin. Hiện tại thời tiết Đà Lạt đang rất đẹp, trời lạnh".