2 đặc khu của tỉnh Quảng Ninh: kỳ vọng tạo động lực phát triển mới
Kinhtedothi - Sau sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Ninh có 54 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã, 30 phường, 2 đặc khu là Cô Tô và Vân Đồn, mở ra bước ngoặt chiến lược trong tái cấu trúc tổ chức bộ máy và phát triển kinh tế biển đảo.
Với vị trí địa kinh tế chiến lược cùng hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, Vân Đồn được Trung ương, tỉnh Quảng Ninh xác định là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp và là cửa ngõ giao thương quốc tế. Sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ gồm sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cảng biển Ao Tiên, cùng hệ thống kết nối phục vụ hàng hóa, du lịch và vận tải quốc tế, tính đến năm nay, Vân Đồn đã thu hút hơn 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân, chủ yếu vào hạ tầng và bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND đặc khu Vân Đồn. Ảnh: TPO
Tại kỳ họp thứ nhất nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào sáng 1/7, HĐND đặc khu Vân Đồn đã công bố Nghị quyết của Thường trực HĐND đặc khu về số lượng và danh sách 221 đại biểu HĐND đặc khu sau sắp xếp. Kỳ họp cũng tiến hành công bố các Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND đặc khu Vân Đồn; chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND đặc khu Vân Đồn.
Theo đó, ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy được chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND đặc khu; ông Vũ Đức Hưởng, Phó Bí thư Đảng ủy được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND đặc khu, nhiệm kỳ 2021-2026.
Khác với Vân Đồn, Cô Tô là một huyện đảo thuần biển, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, sở hữu hơn 300 km² diện tích biển, môi trường tự nhiên còn nguyên sơ với hệ sinh thái rạn san hô, hải sản quý hiếm. Việc trở thành đặc khu giúp Cô Tô định hình vai trò mới: trung tâm nghiên cứu biển sâu, du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Đặc khu Cô Tô cũng là một trong hai địa phương trong tỉnh không thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, chỉ tổ chức lại bộ máy, đây là một lợi thế tạo điều kiện để bộ máy sớm vận hành ổn định, hiệu quả.
Tại kỳ họp HĐND đặc khu Cô Tô khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thông qua hàng loạt nghị quyết quan trọng: kiện toàn tổ chức bộ máy HĐND, UBND; thành lập các ban chuyên môn; định hướng điều hành ngân sách; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình bền vững và hiện đại.
Theo đó, bà Lê Ngọc Hân được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND đặc khu Cô Tô; ông Nguyễn Danh Hà giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND đặc khu.

Ông Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, tặng hoa chúc mừng các đồng chí Thường trực HĐND, Thường trực UBND đặc khu Cô Tô. Ảnh: BQN
Dự và chỉ đạo kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh yêu cầu Cô Tô cần chuyển mạnh từ "quản lý hành chính" sang "quản trị phát triển", ưu tiên ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, và đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực số và tư duy đổi mới.
Theo đại diện Văn phòng UBND tỉnh, việc thiết lập 2 đặc khu không đơn thuần là thay đổi về địa giới hành chính, mà là một bước ngoặt tư duy phát triển: linh hoạt hơn về quản trị, đồng bộ về quy hoạch và minh bạch trong thu hút đầu tư. Quảng Ninh xác định rõ mục tiêu: một bên là trung tâm hội nhập kinh tế biển quy mô lớn (Vân Đồn), một bên là mô hình đảo sinh thái bền vững (Cô Tô).
2 đặc khu mới là bước đi thể hiện quyết tâm khai thác toàn diện tiềm năng biển đảo, đồng thời đặt ra thách thức lớn về quản trị, bảo tồn tài nguyên và ngăn chặn sốt đất, đầu cơ. Dù vậy, giới chuyên gia kỳ vọng, nếu vận hành hiệu quả, mô hình đặc khu tại Quảng Ninh có thể trở thành hình mẫu chính quyền hai cấp năng động, hiệu lực và hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng bền vững cho khu vực Đông Bắc.

Quảng Ninh dự kiến bắn pháo hoa 58 lần kéo dài đến hết ngày 1/1/2026
Kinhtedothi - Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ bắn pháo hoa tại 3 điểm và sẽ kéo dài đến hết ngày 1/1/2026 với khoảng 58 lần, mỗi lần bắn khoảng 15 phút.

Quảng Ninh công bố các quyết định về thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Kinhtedothi - Sáng 30/6, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn. Sau sắp xếp, tỉnh hình thành 54 đơn vị hành chính mới, trong đó có 2 đặc khu Vân Đồn và Cô Tô.

Quảng Ninh lên phương án xử lý trụ sở, nhà đất dôi dư
Kinhtedothi - Quảng Ninh đã lên phương án sau sắp xếp, sáp nhập cấp xã, bỏ chính quyền cấp huyện, xử lý trụ sở, nhà đất dôi dư, không sử dụng.