Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

20.000 tỷ đồng “rót” vào ngành công nghiệp chế biến nông sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng, năm 2019 ghi nhận nguồn vốn “rót” vào ngành công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản đạt mức kỷ lục.

 Lĩnh vực chế biến nông sản đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh minh hoạ.
Năm 2019, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”. Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hướng dẫn địa phương tổ chức sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế thị trường và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng.
Tác động tích cực của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã giúp năng lực công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ từng bước được nâng cao. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, năm 2019, đã có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Tính từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này là trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã triển khai trên cả nước.
Các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo nên một bước đột phá về chế biến xuất khẩu nông sản, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người nông dân. Nhờ vậy, mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (đơn cử như lúa gạo đã giảm xuống còn dưới 10%...).
Cùng với cơ giới chế biến, mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 95% (tăng 1% so với năm 2018); khâu gieo, cấy lúa gieo bằng công cụ xạ hàng và cấy đạt 44%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật (lúa, mía, chè) đạt 79%; thu hoạch lúa 54% (các tỉnh đồng bằng đạt 93%). Số lượng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp tăng 2,3% so với năm 2018.