20 hộ trong khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp đề nghị được cấp sổ đỏ: Chưa đủ cơ sở xem xét

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, 20 hộ giáo viên trong khu tập thể trường Tiểu học và THCS xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) đã không ít lần gửi đơn đề nghị các cấp chính quyền xem xét thanh lý cho mua nhà hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại các căn hộ họ được giao sử dụng, tuy nhiên không được giải quyết. Mới đây, sau khi UBND xã Ninh Hiệp ra thông báo yêu cầu các hộ di dời, bàn giao lại mặt bằng cho UBND xã quản lý, các hộ giáo viên lại tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng.

Dãy nhà cấp bốn là khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp. Ảnh: Hoàng Quyết
Xã xây nhà, trường cho mượn
Khu tập thể trường Tiểu học và THCS Ninh Hiệp là 3 dãy nhà nằm cạnh 2 ngôi trường này. Khoảng năm 1982, UBND xã Ninh Hiệp xây dựng 1 dãy 12 gian nhà cấp bốn, mỗi gian 17m2 giao cho nhà trường để nhà trường phân cho các giáo viên ở xa có nhu cầu, tạo điều kiện cho việc ăn ở, giảng dạy tại trường. Khoảng năm 1993, do nhu cầu của các giáo viên tăng cao, UBND xã Ninh Hiệp tiếp tục xây dựng 8 gian nhà cấp bốn (liền kề với 12 gian đã xây năm 1982) và giao cho nhà trường quản lý, với mục đích cho các thầy cô mượn sử dụng. Việc nhà trường cho các thầy cô giáo mượn dựa trên các điều kiện do nhà trường quy định (không có giấy tờ cho mượn).

Trong quá trình sử dụng, các thầy cô không được tự ý phá dỡ, xây dựng, sửa chữa; việc sửa chữa 2 lần được UBND xã hỗ trợ. Bên cạnh đó, thầy cô nào chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc không có nhu cầu sử dụng thì phải bàn giao lại căn hộ cho thầy cô khác có nhu cầu sử dụng tiếp theo. Cũng trong quá trình sử dụng, các thầy cô đều không phải nộp thuế nhà đất, cũng không phải kê khai nộp thuế đất phi nông nghiệp theo quy định.

Hiện tại, qua kiểm tra của UBND xã Ninh Hiệp, trong số 20 căn hộ nói trên, chỉ có 2 căn hộ có người ăn ở thường xuyên, 8 căn hộ có người ăn ở không thường xuyên, số còn lại không sử dụng vào mục đích để ở. Tổng diện tích hiện trạng của 20 căn hộ là 807,51m2 (trong đó 420,62m2 là diện tích nhà do UBND xã xây dựng trước đây, 386,89m2 do các gia đình tự ý cơi nới).

Không có cơ sở để cấp giấy chứng nhận cho 20 hộ

Trong đơn đề nghị gửi UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm và các cơ quan chức năng, đại diện các hộ gia đình cho rằng, trước đây để được vào ở các căn hộ nói trên, các giáo viên phải được xem xét theo các tiêu chí của nhà trường. Sau khi được xem xét, các giáo viên phải làm đơn mới được nhà trường phân nhà. Các hộ gia đình sinh sống ổn định từ thời điểm đó đến nay, không có tranh chấp, khiếu kiện gì về diện tích đất trên. Các hộ gia đình cho rằng, diện tích đất và nhà mà họ đang sử dụng “không phải do UBND xã cho mượn” mà là “được nhà trường phân cho”, và vì thế họ đề nghị được “hợp thức hóa, cấp GCNQSDĐ, nếu thu hồi thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, toàn bộ khu tập thể giáo viên trường Tiểu học và THCS Ninh Hiệp cũ là thuộc quyền quản lý hành chính của UBND xã Ninh Hiệp. Khu tập thể giáo viên nằm ngoài khuôn viên của nhà trường, là đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý. Năm 2004, trường Tiểu học và THCS Ninh Hiệp được UBND huyện Gia Lâm cấp GCNQSDĐ không bao gồm diện tích đất và công trình nhà ở của khu tập thể.

Bên cạnh đó, khu tập thể gồm 20 căn hộ trước đây đều do UBND xã Ninh Hiệp xây dựng và bàn giao cho nhà trường quản lý, với mục đích cho các thầy cô giáo ở xa mượn sử dụng, không phải phân nhà tập thể cho các thầy cô. Vì thế, UBND xã Ninh Hiệp đã không thực hiện thu thuế nhà đất và kê khai thuế đất phi nông nghiệp đối với nhà, đất mà các thầy cô giáo đang sử dụng. Chính vì các lý do đó, UBND xã Ninh Hiệp đề nghị không cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho 20 hộ gia đình, cá nhân.

Lý do UBND xã Ninh Hiệp ra thông báo yêu cầu các hộ di dời, bàn giao lại mặt bằng cho UBND xã quản lý trong thời gian này là vì, các căn hộ trải qua nhiều năm không được sửa chữa đã xuống cấp, gây mất an toàn trong phòng cháy chữa cháy, mất an ninh trật tự (đã từng xảy ra cháy). Trong khi đó, xã Ninh Hiệp đang có một số phương án đề nghị UBND huyện Gia Lâm xem xét. Thứ nhất, mở rộng dự án xây dựng trường THCS, đảm bảo cho học sinh có chỗ học, không để quá tải như hiện nay. Thứ hai, mở rộng diện tích chợ Nành, đảm bảo phương án phòng cháy, chữa cháy và đáp ứng nguyện vọng của các hộ kinh doanh.

Trên cơ sở giải quyết đơn đề nghị, Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Hợi đồng ý với ý kiến mà UBND xã Ninh Hiệp đưa ra. Đồng thời ông cũng khẳng định, việc 20 hộ giáo viên đề nghị được thanh lý, mua nhà hoặc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại khu tập thể trường Tiểu học và THCS Ninh Hiệp là chưa đủ cơ sở để xem xét giải quyết.