Điểm nóng thu hút FDI
Tổng cục Thống kê nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Nhất là ở trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và trở thành quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn toàn cầu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga...
Mới đây, Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ viễn cảnh kinh tế tích cực.
Thực tế, Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao, qua nhiều thông tin được công bố trong năm vừa qua. Ví dụ Apple thông báo sẽ đưa hoạt động thiết kế sản xuất iPad sang Việt Nam. Nhiều tập đoàn, DN lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như: Goertek, Foxconn, Luxshare đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, như: bán dẫn, năng lượng mặt trời, điện gió, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech). Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, giữ sự ổn định của môi trường đầu tư, đặc biệt là các cam kết mà chính quyền đã ký kết và sự ổn định của chính sách; liên tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, hải quan… để hỗ trợ hoạt động đầu tư nước ngoài.
Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là năng lực cung cấp điện và hạ tầng giao thông, kho vận; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nâng cao cũng như giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023 và Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030. Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.
Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.
Để tăng cường thu hút FDI, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu. Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Đón dòng vốn chất lượng cao
Với số vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký ước đạt 2,95 tỷ USD, năm 2023, Hà Nội là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Dự kiến năm 2024, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD. Dù còn nhiều thách thức, khó khăn, tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào Hà Nội và sự quyết tâm thay đổi môi trường đầu tư của Hà Nội để thu hút các DN FDI.
Chủ tịch ban điều hành nhóm công tác điện và năng lượng UNDP John Rockhold cho biết: "FDI vẫn tiếp tục là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế của Hà Nội năm 2024. Cùng với đó, TP Hà Nội đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hằng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển DN, xúc tiến đầu tư”.
Trong khi đó, tổng kết hết năm 2023 đã có gần 3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Thái Bình, cao nhất từ trước đến nay, xếp trong top 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Chính thức đưa Thái Bình gia nhập “Câu lạc bộ tỷ đô” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, PCI nằm trong Top 15 - 20.
Năm 2024, Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu vào top 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước. Nghệ An đã chuẩn bị bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là thực hiện “5 sẵn sàng” về: quy hoạch; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn đến đầu tư....
TP Hồ Chí Minh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, hoàn thiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của TP Hồ Chí Minh; cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư FDI.
Năm 2024 dự báo là một năm đột phá về thu hút FDI. Đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, thu hút và hấp thụ được nguồn vốn chất lượng cao cải thiện môi trường đầu tư là mục tiêu được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Mọi cơ hội và tiềm năng, từ trong nước tới ngoài nước đều được Chính phủ, các địa phương xác định để dồn lực cho một năm tăng tốc, bứt phá.
Năm vừa qua Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP trên 5%. Năm 2024 sẽ là một năm tốt hơn. Tiềm năng ở Việt Nam không chỉ có thương mại. Nếu chúng ta nhìn vào số lượng vốn FDI trong quý IV/2023 đã quay trở lại mức như năm 2019. Điều đặc biệt quan trọng tôi đang thấy đó là dòng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực xanh tại Việt Nam.
Giám đốc điều hành HSBC Việt Nam Tim Evans