22 trường hợp sẽ được miễn kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Hải quan đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Được biết, dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Dự thảo) đã tiếp thu nhiều ý kiến tham gia của đại diện các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và cục hải quan các tỉnh, thành phố, các cơ quan chuyên ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và đã nhận được những ý kiến phải hồi rất tích cực.
 Ảnh minh họa
Theo Dự thảo, nguyên tắc kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro. Các cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra được công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các phương thức kiểm tra được áp dụng thống nhất. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra do hệ thống tự động quyết định.
Đáng chú ý, Dự thảo có quy định chi tiết về 22 trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đây đã bao gồm các trường hợp miễn kiểm tra theo quy định của pháp luật hiện hành cũng như bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra đã phát sinh trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý hải quan.
Bên cạnh đó, Dự thảo đã cắt giảm nhiều chứng từ trong hồ sơ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm như: giảm được 6/10 chứng từ tổ chức, cá nhân phải nộp/xuất trình khi thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng; Bỏ quy định nộp Bản sao Danh mục hàng hóa đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt của an toàn thực phẩm; Đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra giảm thì chỉ những lô hàng phải kiểm tra mới phải nộp hồ sơ.
Ngoài ra Dự thảo cũng mở rộng áp dụng các phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm trong kiểm tra chất lượng. Việc xác định phương thức kiểm tra cũng được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp có thể tự tra cứu để thực hiện các thủ tục kiểm tra cho phù hợp với từng phương thức được thông báo.