Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

24/24 phiếu thông qua Đề án Quy hoạch Điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cuộc họp lần cuối, Hội đồng thẩm định đã thông qua dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ.

24/24 phiếu thông qua nội dung Đề án Quy hoạch Điện VIII; trong đó, 5 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 19 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa đề án. Những nội dung cần chỉnh sửa là những nội dung nhỏ. Khi hoàn thiện, ban soạn thảo sẽ trình Thủ tướng Chính phủ (dự kiến trong tuần này).
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh có công suất 45MW với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh năm của T&T Group. (Ảnh minh họa).
Đánh giá về những khó khăn vướng mắc khi thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định tại Luật Quy hoạch, Quy hoạch Điện VIII phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia của một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, có một điểm gây khó khăn cho Ban soạn thảo, đó là hiện nay, một số quy hoạch cấp quốc gia khác chưa được xây dựng như các quy hoạch: Tổng thể năng lượng quốc gia, không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia.
Vì vậy, với đặc thù quy hoạch điện có liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, nên quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định bố trí không gian của chương trình phát triển điện lực.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong năm 2020 - 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm chậm lại sự phát triển phụ tải trong 2 năm vừa qua. Quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều biến động, phụ thuộc vào các vấn đề địa - chính trị phức tạp đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực. Do đó, việc dự báo sát diễn biến tăng trưởng phụ tải trong thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức cho Ban soạn thảo.
Theo Bộ Công Thương, việc tiếp tục phát triển các dự án điện than (có/chưa có chủ đầu tư) đã được phê duyệt tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh; đã thực hiện nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư - nhưng chưa khởi công cũng đang gặp rất nhiều sức ép phải xem xét tới tính khả thi phát triển. Bởi, hiện nay, nhiều nước đã cam kết không phát triển các dự án nhiệt điện than mới, các ngân hàng không chấp nhận cấp vốn cho các dự án phát triển mới.
Trong khi đó, nguồn điện than dự kiến tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian tới. Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi hội thảo giữa kỳ và cuối kỳ để tham vấn ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế… về các nội dung của đề án.
Trên cơ sở dữ liệu hiện có, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương - xem xét đưa vào tính toán với mục tiêu khai thác tối đa các nguồn điện do các địa phương đề xuất, nhằm bổ sung phát triển các nguồn điện mới trong thời gian tới. Đối với việc phát triển các dự án điện than, Bộ Công Thương sẽ phân tích, đánh giá toàn diện về các dự án đã được bổ sung quy hoạch, tính khả thi phát triển trong thời gian tới, xem xét việc phát triển các nguồn điệnthan phù hợp với lộ trình phát triển xanh, sạch của hệ thống điện.
Trước đó, nhóm 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu đưa văn bản góp ý những điểm trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương đưa ra hồi đầu tháng 9/2021; Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cũng cho rằng, bản dự thảo là "bước lùi" khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000MW điện tái tạo vào năm 2030. Đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi.