25 người thương vong do bão số 3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại Lạng Sơn sáng 17/9.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến tối ngày hôm qua (18/9), đã có tổng cộng 13 người chết, 1 trường hợp mất tích và 11 người khác bị thương do bão số 3. Trong số 13 người chết, có tới 9 người ở Lạng Sơn, 1 người ở Nghệ An, 1 người ở Thái Nguyên, đặc biệt, Hà Nội cũng có tới 2 người chết do bị điện giật.   

 
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại Lạng Sơn sáng 17/9.
Kinhtedothi - Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại Lạng Sơn sáng 17/9.
Cũng theo thống kê, bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, bão số 3 đã khiến 33 ngôi nhà bị sập, 815 ngôi nhà bị tốc mái. Diện tích lúa bị hư hại khoảng 42.743ha. Cùng với đó, trên 10.000ha hoa màu, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng. Bão số 3 cũng đã khiến 3.376 cây xanh, 44 cột điện bị gãy đổ, và làm sạt lở trên 1.000m3 đường giao thông.  Quảng Ninh là địa phương chịu tổn thất nặng nề nhất về vật chất với ước tính lên tới trên 20 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, sáng ngày 18/9, sau cơn mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến phố trên địa bàn như Nguyễn Trãi, Triều Khúc, Phan Văn Trường, Trần Bình, Châu Văn Liêm… rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ. Nhiều nơi nước ngập sâu đến 30 - 40cm. Đặc biệt, do diễn ra đúng vào giờ cao điểm buổi sáng nên việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Một số ngã ba, ngã tư bị ùn tắc cục bộ. Để tiêu thoát nước nhanh, ngay từ sáng sớm, Xí nghiệp thoát nước Hà Nội đã bố chí công nhân tại các điểm úng ngập để xử lý, thông hút nước.

Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo các địa phương trên địa bàn TP chủ động các phương án: Đối với vùng có nguy cơ ngập úng cao cần khơi thông cửa các cống tiêu để tiêu úng kịp thời. Đối với diện tích cây rau màu, chú trọng tiêu thoát nước và tập trung chăm sóc những diện tích đã gieo trồng, bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng yêu cầu Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển cây trồng bám sát tình hình sản xuất, diễn biến mưa bão, kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Phối hợp với các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp sau úng lụt theo Công văn số 47/PHSX ngày 17/6/2014 của Tiểu ban phục hồi sản xuất - Ban Chỉ huy PCLB TP. Đồng thời, giới thiệu thông tin, địa chỉ cung cấp giống tin cậy để giúp người dân vùng ngập úng khi có nhu cầu khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần