250 triệu USD cho giáo dục, điện và giảm thiên tai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 21/12, tại Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Văn Bình và ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã ký kết 3 hiệp định vay vốn với tổng trị giá 251 triệu USD về phát triển giáo dục, năng lượng và cải thiện công tác quản lý rủi ro giảm nhẹ tác động của lũ lụt, hạn hán.

Cụ thể, dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 105 triệu USD, trong đó ADB tài trợ 90 triệu USD. Mục tiêu của dự án là nâng cao tính cạnh tranh của lực lượng lao động trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 của Việt Nam thông qua việc tăng cường chất lượng và hiệu quả giáo dục trung học phổ thông theo tiêu chuẩn quốc tế; đặc biệt là các học sinh nữ và học sinh người dân tộc thiểu số xuất thân từ các hộ gia đình nghèo và cận nghèo.

 
250 triệu USD cho giáo dục, điện và giảm thiên tai - Ảnh 1
Lãnh đạo hai bên ký kết 3 Hiệp định cho các dự án. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Bên cạnh đó, dự án truyền tải điện 2 trị giá 110,19 triệu USD thuộc đợt giải ngân thứ 2 trong chương trình đầu tư truyền tải điện trị giá 730 triệu USD dành cho Việt Nam đã được ADB phê duyệt vào tháng 12/2011.

Chương trình này sẽ góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn hỗ trợ một phần cho việc thực hiện Tổng sơ đồ Điện VII để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của các hộ tiêu thụ điện công nghiệp, thương mại và dân dụng. Dự án chủ yếu được thực hiện tại 3 tỉnh thuộc khu vực miền Trung (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông), 3 tỉnh khu vực miền Nam (Bình Phước, Bình Dương, một phần thuộc địa phận tỉnh Long An) và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh các dự án đầu tư phát triển đất nước, Chính phủ cũng ưu tiên giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Với dự án này, ADB cung cấp khoản vay trị giá 45 triệu USD và Tổ chức Phát triển Quốc tế Astralia viện trợ không hoàn lại trị giá 5,9 triệu USD.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng nhằm chuẩn bị đối phó, khắc phục các rủi ro và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do lũ lục và hạn hán gây ra đối với nền kinh tế - xã hội của địa phương.