Hôm nay, ngày 28/7/2021 đánh dấu kỷ niệm 26 năm ngày Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thống nhất của ASEAN cũng như duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng ASEAN trở thành một Cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.
ASEAN trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Gia nhập ASEAN là một quyết định mang tính lịch sử, một quyết sách đúng đắn và kịp thời, là đột phá đầu tiên để Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới. Chính sách của Việt Nam đối với ASEAN gắn liền với quá trình phát triển và đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử khi Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời vào 76 năm trước, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng đã là chủ trương được ưu tiên hàng đầu. Và ngay sau khi đất nước thống nhất năm 1975, chủ trương gia nhập ASEAN cũng là ưu tiên hàng đầu để Việt Nam phá thế bao vây, cô lập, hội nhập khu vực và thế giới.
Để hiện thực hóa sự kiện gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, Việt Nam đã trải qua những bước phát triển mạnh mẽ trong tư duy đối ngoại, nhờ đó có sự chuyển hướng chiến lược sáng suốt, kịp thời, nhấn mạnh lợi ích cao nhất của đất nước lúc này là tranh thủ điều kiện hòa bình để phát triển.
Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng.
Việt Nam tiếp tục “tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN”..., “tham gia tích cực các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và “thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN.”
Tại Đại hội XI (tháng 1/2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương Việt Nam sẽ “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương” đồng thời xác định nhiệm vụ “Phấn đấu cùng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh.”
Tiếp đó, Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đã xác định phương hướng đối với hợp tác trong ASEAN là “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh,” “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc.”
Với định hướng này, việc tham gia ASEAN trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, một trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương trong ASEAN của Việt Nam. Vì vậy, cần “phải nhận thức rõ tầm quan trọng của ASEAN trong tổng thể các hoạt động đối ngoại, coi ASEAN là vành đai an ninh trực tiếp của đất nước, là ngôi nhà chung của mình.”
Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8/8/2018, của Ban Bí thư, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” một lần nữa nhấn mạnh cần “tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN,” “phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế.”
Như vậy, trong suốt 26 năm qua và kể cả trước đó, chính sách của Việt Nam với ASEAN phản ánh sự phát triển căn bản trong tư duy đối ngoại và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của đất nước.
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN XVI và XVII tại thủ đô Hà Nội. Đây là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và kỷ niệm 15 năm gia nhập. Ảnh: TTXVN |
Những dấu ấn quan trọng
Trong 26 năm qua, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN, đặc biệt là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Sự kiện Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015 có những đóng góp đáng ghi nhận của Việt Nam, trong đó có các sáng kiến, đề xuất như Chương trình Hành động Hà Nội 2010. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.
Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN còn được thể hiện qua những đóng góp đối với quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN. Khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ. Việt Nam cũng đề xuất sáng kiến mở rộng cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Đó là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong ASEAN mà giữa ASEAN với các nước, tạo vị thế của ASEAN với các nước.
Thông qua hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện”, “Tuyên bố ASEAN 2,” “Hiến chương ASEAN”, “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015),” “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN,” Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò điều phối các cơ chế với các đối tác bên ngoài như bằng cách kết nối, mở rộng quan hệ, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này.
Vai trò và trách nhiệm của Việt Nam còn được thể hiện rõ qua những lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN với những đóng góp và sáng kiến cụ thể. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội năm 1998, Việt Nam đã soạn thảo Kế hoạch hành động Hà Nội để thúc đẩy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, góp phần khắc phục khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên.
Năm 2010, lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy những gì các nhà quan sát ngoại giao gọi là “văn hóa thực hiện.”
Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, nói cách khác, Việt Nam đã thúc đẩy việc hoàn thành các hoạt động thiết thực sau khi ASEAN thông qua các tuyên bố và kế hoạch hành động.
Về an ninh và hòa bình, phải kể tới những đóng góp cụ thể của Việt Nam trong việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Đặc biệt, năm 2020, đánh dấu 25 năm gia nhập ASEAN, cũng là lần thứ ba đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung khi đó phải đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, như tổ chức thành công hai hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37; Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về đại dịch COVID-19.
Nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với COVID-19 và phục hồi sau đại dịch đã được công bố và đưa vào triển khai trong năm 2020 như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN..., thể hiện cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ mang tính “cả Cộng đồng” của ASEAN trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, thích ứng và từng bước phục hồi toàn diện.
Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN đứng vững trước đại dịch COVID-19 và sớm đi vào phục hồi, bảo đảm cho định hướng phát triển của ASEAN.
Quan trọng hơn, thông qua hợp tác chống COVID-19 và phục hồi kinh tế, sự gắn kết trong ASEAN càng bền chặt. Đây là những “dấu son” mang đậm dấu ấn của Việt Nam và góp phần tô đẹp bức tranh thành công toàn diện của ASEAN.
Nhìn lại hơn 1/4 thế kỷ trôi qua, sự thành công và vai trò ngày càng lớn của ASEAN trong chặng đường vừa qua cùng sự đồng hành của Việt Nam đã một lần nữa cho thấy sự đúng đắn trong quyết định của Việt Nam khi gia nhập ASEAN.
Sự tham gia ấy không chỉ thể hiện sự chủ động, tích cực trong phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam mà còn cho thấy nhu cầu hợp tác tất yếu vì hòa bình, phát triển thịnh vượng của cả khu vực.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường cũng là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn trong thời gian tới./.